Tuesday, February 25, 2014

Không Có Tựa Bài Viết-Nhưng Rất Hay

Hoang van Nguyen shared Nguyễn Thùy Linh's photo.
Sau bao nhiêu năm đất nước tiến theo con đường XHCN, dưới sự lãnh đạo tài tình của ĐCS Việt Nam quang vinh muôn năm và ánh sáng từ chủ nghĩa Mác - Lê Nin soi đường chỉ lối. Đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại mà nhiều dân tộc khác trên thế giới phải mơ ước. So với thời kỳ trước năm 1945 khi mà đa phần nhân dân lao động không có cơm no áo đẹp, không được học hành tử tế, thì nay Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Xuất khẩu lao động và xuất khẩu phụ nữ cũng đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ. Còn về học hành thì khỏi phải nói, trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, người người đại học, nhà nhà đại học. Bây giờ thợ hồ có bằng kỷ sư là chuyện hết sức bình thường. Còn rất nhiều thành tựu đáng tự hào khác nữa, không thể kể hết ở đây được...

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu kỳ diệu đó, có cảm giác là đất nước chúng ta đang đi trên một vòng tròn, nghĩa là sau bao nhiêu năm chúng ta đang quay lại nơi mình đã bắt đầu, có thể đưa ra một vài ví dụ sau đây để chứng minh cho luận điểm trên:

- Thứ nhất: Về kinh tế, trước năm 1975 ở Sài Gòn, nền kinh tế thị trường đã được xây dựng gần như là hoàn chỉnh, chính điều đó đã đưa Sài Gòn trở thành một hòn ngọc viễn đông mà ngay cả Singapore lúc đó cũng phải mơ ước. Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền đã gấp rút thực hiện cuộc cách mạng đánh tư sản ở miền Nam với mục đích đưa miền Nam nghèo lại cho ngang bằng với miền Bắc. Tổng bí thư Lê Duẫn cùng các đồng chí của mình đã biến Sài Gòn diễm lệ thuở nào trở thành một Sài Gòn hoang tàn với các chính sách ngăn sông cấm chợ, "đào tận gốc - trốc tận rễ". Và thế là nền kinh tế thị trường ở Sài Gòn đã bị giết chết. Đến bây giờ người ta lại cố gắng xây dựng lại nền kinh tế thị trường, há chẳng phải chính quyền đã đưa Sài Gòn đi theo một vòng tròn ?

- Thứ hai: Về văn hóa, sau năm 1975 tất cả những giá trị văn hóa vốn đã rất phát triển ở miền Nam đều bị cấm đoán một cách triệt để. Vào thời kỳ ấy muốn nghe nhạc vàng người ta phải lén lút, thậm chí đến thập niên 90, ca sĩ Ngọc Sơn còn phải ngồi tù vì đã thu âm bài hát "Bông cỏ may". Vào thời điểm đó nếu ai nhảy đầm có thể bị bêu xấu giữa đường phố. Còn bây giờ thì sao ? Ca sĩ đua nhau hát nhạc vàng, họ tìm lại những bản nhạc trước năm 1975 để thu âm, và nhận được rất nhiều sự tán thành từ khán giả, kể cả những ca sĩ có giọng hát dở tệ như Mr Đàm mà cũng có thể hốt bạc nhờ dòng nhạc này. Rồi người ta đua nhau đi nhảy đầm, họ có cả những chương trình thi nhảy trên truyền hình như "Bước nhảy hoàn vũ" chẳng hạn. Thầm nghĩ, nếu đồng chí Lê Duẫn sống lại và nhìn thấy những cảnh này chắc ông phải ọc máu mà chết như Chu Du thời Tam quốc diễn nghĩa !

- Thứ ba: Về tín ngưỡng tôn giáo, sau năm 1954 ở miền Bắc, người ta đua nhau đập phá các đình, đền, chùa, miếu mạo. Nhiều ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm với lối kiến trúc độc đáo đã bị phá hỏng hoàn toàn. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này thì ai cũng biết. Chủ nghĩa cộng sản vốn là thứ chủ nghĩa vô thần, họ coi tín ngưỡng tôn giáo là sự dối trá và sỉ nhục, Mác từng nói "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Ngày xưa thì đập phá đền chùa còn bây giờ lại đua nhau xây dựng đền chùa, thật nực cười. Các quan giàu có đua nhau đổ tiền vào xây dựng đền chùa, buổi ngày đi cướp của dân rồi đêm về lên chùa ngồi lạy Phật !

- Thứ tư: Về xã hội, nếu như ngày xưa có Chí Phèo giết quan rồi tự vẫn thì ngày nay có Đặng Ngọc Viết, Đoàn Văn Vươn... Ngày xưa có chị Dậu bán con để sống thì ngày nay có các bà mẹ gã con gái cho bọn Đài Loan, Hàn Quốc để nhận một khoản tiền khoảng mấy chục triệu, gọi là tiền nạp tài. Ngày xưa có Bá Kiến thì bây giờ có hàng vạn người còn hơn cả Bá Kiến đang ngồi mát ăn bát vàng. Những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... được viết trong thời Pháp thuộc mà cứ ngỡ như là được viết trong thời kỳ quá độ lên CNXH hiện nay vậy.

Đất nước ta sẽ còn tiếp tục đi theo những vòng tròn luẩn quẩn như thế nếu như chế độ độc tài toàn trị vẫn tiếp tục duy trì trên đất nước này trong những năm tới, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng làm sao để chấm dứt tình trạng này thì lại là một câu hỏi khó chưa có lời giải đáp...—withHải Đào and 4 others.

No comments:

Post a Comment