Thursday, February 13, 2014

Cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc – Việt Nam năm 1979

Cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc – Việt Nam năm 1979

 
 
 
 
 
 
i
 
Rate This

Nguồn:
http://namvietnetwork.wordpress.com/cuoc-chien-tranh-bien-gioi-trung-quoc-viet-nam-nam-1979/
 
Khảo sát các nguyên do của sự thất bại của Trung Quốc trong hoạt động ngoại giao cưỡng hành trong cuộc chiến tranh của nó với Việt Nam năm 1979 – Sự đe dọa quân sự khắp nơi từ Liên Bang Sô Viết – Áp dụng các mô thức của Alexander George về ngoại giao cưỡng hành và chế ngự khủng hoảng.
Năm 1979, Trung Quốc đã phóng ra một cuộc chiến tranh ngắn nhưng đẫm máu với Việt Nam, với hy vọng trừng phạt Hà Nội về sự xâm lăng và chiếm đóng của nó tại Căm Bốt năm trước đó.  Tuy nhiên, mưu tính của Bắc Kinh về một nền ngoại giao cưỡng hành đã là một sự thất bại ngượng ngùng, đưa đến các sử tổn thất hàng chục nghìn người cho cả đôi bên.  Bài viết này, áp dụng các mô thức về ngoại giao cưỡng hành và chế ngự khủng hoảng của Alexander George, khảo sát các lý do về sự ép buộc bị thất bại của Trung Quốc và xác nhận rằng biến số quan trọng nhất đã là sự đe dọa quân sự khắp nơi từ Liên Bang Sô Viết, điều đã ngăn cản Trung Quốc khỏi việc leo thang cuộc khủng hoảng một cách thành công để có lợi cho họ.
Các nước thường sử dụng các sự đe dọa và các hình thức khác của ngoại giao cưỡng hành trên các đối thủ của chúng với các hy vọng thu đạt được các mục tiêu của sự ngăn chặn hay ép buộc rõ ràng.  Tại sao các nước đôi khi lại thất bại bất kể ưu thế quân sự áp đảo? Để trả lời câu hỏi này và các câu hỏi khác, Alexander George và William Simons đã gắng sức để hệ thống hóa ý niệm về “ngoại giao cưỡng hành” qua việc biên tập các trường hợp nghiên cứu điển hình có xác định tiêu điểm và được sắp xếp thành cấu trúc các sự thành công và thất bại trong chính sách Hoa Kỳ trong quá khứ. [1] Một trong các mục đích chính của họ là nhằm rút ra được các sự tổng quát hóa thực nghiệm từ các trường hợp này và sau đó thực hành hóa (operationalize) một lý thuyết vững mạnh sẽ có thể áp dụng được cho các nhà lập chính sách của chính phủ.  Tuy nhiên, các tác giả đã không khảo sát bất kỳ trường hợp nào về ngoại giao cưỡng hành bởi các nước khác ngoài Hoa Kỳ.
Một “cuộc thăm dò tính khả tín” tuyệt hảo về ngoại giao cưỡng hành phi-Hoa Kỳ là cuộc chiên tranh biên giới Trung Quốc – Việt Nam năm1979, trong đó Trung Quốc đã mưu tính không thành công để buộc Việt Nam phải từ bỏ cuộc xâm lăng mới xảy ra của nó vào Căm Bốt. [2] Cuộc xung đột này hội đủ các điều kiện trở thành một trường hợp của ngoại giao cưỡng hành theo định nghĩa của tác giả George bởi: 1. Một bên đã cố gắng để buộc bên kia phải đình chỉ và đảo ngược một hành vi; 2. Đó là một hoạt động quân sự hạn chế (có nghĩa không nhắm đến sự đầu hàng toàn diện của đối thủ); và 3. Đã không có cuộc xung đột thắng-thua bù trừ lẫn nhau giữa hai bên giao chiến (tức đánh nhau trên một biên giới chung).  Lập luận của tôi rằng sự khảo sát kỳ lưỡng các chính sách của Trung Quốc cho thấy rằng mô thức của George và Simon đủ linh động để phân tích các trường hợp không phải Hoa Kỳ, và rằng khả năng của mô thức để giải thích sự thành công hay thất bại của ngoại giao cưỡng hành xuyên qua nhiều nước cho phép mô thức được tuyên xác một sự thích đáng rộng lớn hơn nhiều.
Liên quan đến trường hợp cá biệt, các nỗ lực của Trung Quốc để áp dụng ngoại giao cưỡng hành đối với Việt Nam, bất kể một ưu thế áp đảo về quân số và tài nguyên, sau rốt đã không đạt được hai mục tiêu chính yếu của Bắc Kinh: sự triệt thoái các lực lượng Việt Nam ra khỏi Căm Bốt và sự tái lập nguyên trạng thời tiền chiến tranh (status quo antebellum, tiếng La Tinh trong nguyên bản, chú của người dịch).  Tôi lập luận rằng nhiều yếu tố đã góp phần vào sự thất bại, kể cả các sai lầm ngu xuẩn về chiên thuật bởi giới lãnh đạo Trung Quốc đã làm tiêu tán các lợi thế chiên lược ban đầu của họ; một sự bất cân xứng rõ ràng của sự năng động trong chính cuộc xung đột đã làm nghiêng lợi thế về phía Việt Nam; việc bày tỏ dấu hiệu không rõ ràng của Trung Quốc về các mục tiêu của nó và các điều kiện để thực hiện; sự áp dụng cùng lúc của Trung Quốc các nguyên tắc mâu thuẫn của sự chế ngự khủng hoảng và ngoại giao cưỡng hành; và vì các câu thúc ngoại lai (liên minh chính trị và quân sự của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết) trên sự leo thang cuộc khủng hoảng của Trung Quốc.  Trong các nguyên do này, tôi sẽ lập luận rằng sự đe dọa từ Mạc Tư Khoa (Moscow) đã là yếu tố đáng kể nhất, bởi sự hiện diện lù lù của người Nga trong chiến tranh đã làm giảm thiểu tính khả tín của các đe dọa leo thang của Trung Quốc, triệt hạ một cột trụ then chốt của một nền ngoại giao cưỡng hành thành công.
Sự thất bại của Trung Quốc để cưỡng bách Việt Nam phải triệt thoái khỏi Căm Bốt thiết lập sự vững chắc của mô thức của tác giả George cho việc giải thích sự thành công hay thất bại của các chiến lược ngoại giao cưỡng hành trong các trường hợp phi Hoa Kỳ.  Nó cũng xác nhận sự khẳng định của tác giả George rằng các điều kiện và mục đích của ngoại giao cưỡng hành và sự chế ngự khủng hoảng, một cách lần lượt, thường là các mục đích đối chọi nhau. [3] Đặc biệt việc ra dấu hiệu mơ hồ của việc chế ngự khủng hoảng và các sự ngập ngừng xóa mờ sự trong sáng cần thiết cho ngoại giao cưỡng hành thành công, và sự nhấn mạnh của nó về hoạt động quân sự “hạn chế” làm giảm bớt tính khả tín của các đe dọa leo thang.  Liên quan đến sự nghiên cứu trường hợp điển hình, tôi lập luận rằng sự tương tác của sự chế ngự khủng hoảng và các mưu tính ngoại giao cưỡng hành của Trung Quốc đã có hiệu ứng dập tắt và đôi khi mâu thuẫn trực tiếp với các mục đích ép buộc của họ.  Trước tiên, Trung Quốc lo sợ khiêu khích một sự đáp ứng của Sô Viết khiến cho họ né tránh các hành động bày tỏ dấu hiệu sự leo thang tương lai thành một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn và chiếm cứ, làm giảm thiểu tính khả tín của các sự đe dọa của Trung Quốc.  Thứ nhì, các sự ngập ngừng về chiến lược đánh dấu các lời tuyên bố của Trung Quốc trước và trong cuộc xâm lăng đã giảm bớt áp lực ngoại giao trên Hà Nội và cho phép Hà Nội tái tổ chức các lực lượng của mình.  Thứ ba, các sự chuyển động các lực lượng của Trung Quốc và sự đe dọa dùng vũ lực có chủ định để bày tỏ dấu hiệu về các mục tiêu hạn chế của Bắc kinh bị tan biến mất trong “tiếng động ồn ào” ngoại giao khác về các sự đột nhập biên giới của Việt Nam và “các cuộc hoàn kích tự vệ”.  Sau cùng, Bắc Kinh đã không lựa chọn các quan điểm ngoại giao và các sự chuyển động quân sự mang lại cho Việt Nam một lối thoát sĩ diện, chính vì thế đẩy Việt Nam vào một góc tường mà từ đó ngoài mặt Việt Nam đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc kháng cự lại sự cưỡng hành của Trung Quốc.
MÔ THỨC NGOẠI GIAO CƯỠNG HÀNH CỦA GEORGE VÀ SIMONS
 Lý luận trung tâm của mô thức của George và Simon rằng áp lực, được áp dụng một cách chính xác, có thể buộc một đối thủ phải tuân hành theo các đòi hỏi của mình.  Bản thân sự thành công tùy thuộc vào một số các yếu tố, kể cả tầm cỡ của sự đòi hỏi, việc cân đối chiến lược với tình hình, và việc thực hiện hữu hiệu chiến lược đó.  Sự áp dụng sai lầm trong phần lớn trường hợp sẽ dẫn đến sự thất bại, cũng như sự xác định sai lạc về tình hình.  Để tránh các cạm bẫy này, các tác giả đã rút ra một số kết luận sơ bộ từ các cuộc nghiên cứu trường hợp điển hình của họ, xác định tám điều kiện thuận lợi cho sự sử dụng ngoại giao cưỡng hành: sự trong sáng của mục tiêu, sức mạnh của động lực, sự bất cân đối của động lực, cảm thức về sự khẩn cấp, giới lãnh đạo mạnh, có đủ sự ủng hộ trong nước và quốc tế, tính bất khả chấp nhận được sự leo thang đe dọa, và sự trong sáng liên quan đến các điều kiện chính xác của sự giải quyết cuộc khủng hoảng.  Trong khi không có một trong các điều kiện này là không quan trọng, bốn điều kiện (sự bất cân xứng về động lực, cảm nhận về sự khẩn cấp, tính không thể chấp nhận được của sự leo thang đe dọa, và sự trong sáng liên quan đến các điều khoản chính xác của giải pháp) rõ ràng có sự tác động đáng kể nhất trên kết quả.
Ở nơi đây, các định nghĩa ngắn của bốn điều kiện này thì cần thiết.  Thứ nhất, “sự bất cân xứng của động lực” đi theo điều tin tưởng của các tác giả rằng một chiến lược cưỡng hành “có nhiều xác xuất thành công hơn nếu bên sử dụng nó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bên đối phương” và rằng đối thủ cũng nhận thức được điều này.[4] Trong khi các tác giả lập luận rằng trong một số trường hợp, sự bất cân xứng được xác định đơn thuần bởi tình huống, họ cũng khẳng định rằng một bên trong cuộc cũng có thể tạo ra một sự bất cân xứng theo một trong hai cách: bằng việc đòi hỏi đối phương chỉ những gì cốt yếu để bảo vệ các quyền lợi sinh tử của chính mình và không đòi hỏi những gì dính mắc đến các quyền lợi sinh tử của đối phương; và bằng việc đề nghị một mồi nhử (carrot) làm giảm bớt động lực của đối thủ nhằm kháng cự lại các đòi hỏi  [5] “Cảm thức về sự khẩn cấp”, giống như sự bất cân xứng về động lực, có cả thành tố khách quan lẫn chủ quan.  Một mặt, đó là công việc của bên cưỡng hành nhằm tạo ra một áp lực về thời gian trong cuộc xung đột sao cho đối phương cảm thấy bị thôi thúc mỗi lúc nhiều hơn để bằng lòng với các đòi hỏi. Tuy nhiên, điều không kém quan trọng là sự nhận thức của đối phương về cảm giác của sự khẩn cấp, điều phải được truyền đạt một cách hoàn hảo và đáng tin tưởng.  Nếu không có cảm thức về sự khẩn cấp được truyền đạt bởi quốc gia cưỡng hành hay đối phương không nhận thức một cách xác thực các tín hiệu của bên cưỡng hành, khi đó tất cả các giới hạn về thời gian được đặt ra trên sự tuân hành đều trở nên ít khả tín.  Điều kiện thứ ba, “tính bất khả chấp nhận được của sự leo thang đe dọa”, đặt trọng tâm nơi sự tin tưởng rằng tác động của phương thức ngoại giao cưỡng hành được nâng cao nếu các hành động và sự truyền thông sơ khởi nhắm vào đối phương làm dấy động nỗi lo sợ về một sự leo thang đến các tình huống ít có thể chấp nhận hơn những gì được hứa hẹn qua sự tán thành các đòi hỏi của nước cưỡng hành.  Sau cùng, “sự trong sáng liên quan đến các điều khoản chính xác của sự giải quyết cuộc khủng hoảng” thì quan trọng ở hai khía cạnh: thứ nhất, nó “trợ giúp các nhà lập chính sách trong việc tuyển chọn trong số nhiều giải pháp đáp ứng khả dĩ”, và thứ nhì, việc ra dấu hiệu rõ ràng về các mục tiêu giới hạn của mình giúp thuyết phục đối phương về “sức mạnh của mục đich’ của mình. [6] Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng sự truyền thông rõ ràng các mục đích và các đòi hỏi của một bên có thể chưa đủ cho một sự giải quyết thành công.  Trong nhiều trường hợp, cũng có thể cần thiết để ra dấu hiệu về một phương lược giải thoát cho một địch thủ, sao cho đối phương không xóa bỏ hết các lợi lộc của quốc gia cưỡng hành xuyên qua một phản ứng không hữu lý.
Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ đặt tiêu điểm vào trường hợp nghiên cứu điển hình đã lựa chọn, sự thất bại của Trung Quốc để cưỡng hành Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới Trung – Việt năm 1979.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Mối quan hệ lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam, thường được đánh dấu bởi sự không tin tưởng và thù nghịch hỗ tương, cũng đã có một tinh chất cộng sinh (symbiotic) khác thường.  Ttong gần một nghìn năm, Ttrung Quốc tuyên nhận một khu vực ảnh hưởng tại vùng Bắc Kỳ phía bắc của Việt Nam hiện đại, và Việt Nam đã du nhập nhiều thành tố của hệ thống chính trị và văn hóa của Trung Quốc.  Sau khi tuyên bố độc lập vào thế kỷ thứ mười, Việt Nam tiếp tục duy trì một mối quan hệ “triều cống” với lân bang phương bắc to lớn của mình và giới tinh hoa cầm quyền Việt Nam thu nhận tính chính thống từ hệ thống đế quốc/Khổng học Trung Quốc.  Trong thời kỳ thực dân, cả hai nước phải chịu dựng trong tay các nước đế quốc, và các đảng cộng sản mới sinh đã liên kết chặt chẽ trong cuộc đấu tranh giành độc lập.  Với sự thiết lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) năm 1949, các quan hệ Trung Quốc – Việt Minh đã vươn đến đỉnh cao của chúng, khi CHNDTQ thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) đang lâm chiến và khởi sự sự viện trợ quân sự đáng kể cho các lực lượng của Hồ Chí Minh.
Hội Nghị Geneva 1954 đánh dấu bước khởi đầu của một tình trạng suy đồi mau chóng trong sự hợp tác giữa hai đảng cách mạng, khi một Trung Quốc hùng mạnh và mới thống nhất tìm cách để tái khẳng định khu vực ảnh hưởng truyền thống của nó tại Đông Nam Á.  Sự phân hóa gia tăng này càng trầm trọng hơn bởi sự rạn nứt Nga – Hoa hồi cuối thập niên 1950, trong đó Việt Nam mau chóng trở thành một con tốt trong một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giũa hai ân nhân tương lai ngày càng thù nghịch nhau.  Sau cùng, sự cung cấp của Liên Bang Sô Viết khoản trợ giúp cụ thể cho cuộc chiến tranh của Việt Nam chống lại Hoa Kỳ đã chứng tỏ có giá trị hơn lời cổ vũ tinh thần suông của Trung Quốc về sự “tự túc”, đẩy chế độ của họ Hồ vào phe “đế quốc xã hội chủ nghĩa/xét lại” của LBSV.[7]
Tuy nhiên, bất kể sự phân cách dường như không thể hòa giải được, sự sáp lại gần nhau của Trung Quốc với Hoa Kỳ năm 1972 xảy ra như một cơn chấn động vĩ đại cho chính quyền Việt Nam, vốn nhận thức cuộc thăm viếng của Nixon như một hành vi phản bội khôn lường và bằng chứng chung cục của một chương trình nghị sự quỷ quyệt hơn nhiều về phía Mao Trạch Đông và giới lãnh đạo Trung Quốc.  Như tác giả William Duiker lập luận, “Các nhà lãnh đạo Việt Nam [sau năm 1972] rõ ràng trở nên bị thuyết phục rằng chính sách Việt Nam của Trung Quốc được bắt rễ từ một khát vọng muốn duy trì sự phân chia Việt Nam ngõ hầu làm dễ dàng cho sự thống trị thời hậu chiến tại Đông Nam Á”. [8] Sự thay đổi bề ngoài này trong chính sách tương phản sâu sắc với quan điểm về thế giới của Việt Nam, vẫn còn nhìn chính trị toàn cầu theo lối nhị phân cứng ngắc (Manichean).  Trung Quốc, mặt khác, đã tiến tới việc nhận thức một cán cân quyền lực toàn cầu phức tạp như nhiều, với Trung Quốc như một đỉnh của một tam giác chiến lược ngày càng thể hiện rõ hơn cùng với Liên Bang Sô Viết và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, khuôn mẫu bất tin tưởng và thù nghịch này không thôi không đủ để khơi dậy cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trong năm 1979.  Vì thế, cần khảo sát các biến cố ngay trước khi có cuộc xung đột biên giới để chứng thực các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của nó.  Các quan sát viên đã đưa ra một số lý thuyết, kể cả các sự giải thích dẫn đến “các sự thù nghịch cổ xưa” nói ở trên, [9] mối quan hệ của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết,[ 10], ám ảnh của Trung Quốc về tính thiêng liêng của các biên giới của nó,[11] hay sự đối xử của Việt Nam với dân số Hoa kiều xuất dương của Trung Quốc.[12] Các vấn đề này đã được thảo luận một cách tuyệt hảo bởi tác giả Bruce Burton, và tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận của ông rằng nguyên do thực sự của cuộc chiến tranh biên giới Tháng Ba 1979 là cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt trong dịp Lễ Giáng Sinh 1978, một hành vi đã khiêu khích rất mạnh mẽ người Trung Quốc và đẩy họ tới việc sử dụng một chiến lược ngoại giao gây hấn hơn nhiều.[13] Tác giả quả quyết rằng các yêu cầu chiến lược của Trung Quốc và Việt Nam tại Đông Dương và các sự vướng mắc của sự phân hóa Nga – Hoa cộng lại khiến cho cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt thành một tia lửa bốc cháy giữa hai nước.  Kết luận này được chứng thực bởi một số yếu tố, kể cả sự kiện rằng các sự di chuyển binh sĩ Trung Quốc đã chỉ bắt đầu sau khi chiến dịch quân sự của Việt Nam đã khởi động.[14]
Nguyên Do Chiến Tranh (Casus Belli)
Nơi đây, một số bối cảnh lịch sử ngắn gọn về vai trò của Căm Bốt trong các quan hệ Trung – Việt thì cần thiết.  Bắt đầu trong cuộc Hội Nghị Geneva 1954, Trung Quốc đã tìm cách làm suy yếu sự kiểm soát trong vùng của Việt Nam trên Đông Dương bằng việc từ chối không cho phép Lào và Căm Bốt tham dự hội nghị với tư cách thành viên đầy đủ. [15] Vào cuối thập niên 1960, Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ lãnh tụ trung lập của Căm Bốt, ông Hoàng Sihanouk, kẻ đã quay mặt làm ngơ trước các sự xâm nhập của Việt Nam [cộng sản] vào các tỉnh phía đông xứ sở của ông ta.  Sau khi Lon Nol lật đổ Sihanouk vào năm 1971, Trung Quốc đã chấp thuận cho Sihanouk tỵ nạn tại Bắc Kinh, cùng lúc đẩy mạnh sự trợ giúp cho phe Khmer Đỏ chống lại Lon Nol, phe có các khuynh hướng ngả theo chủ thuyết họ Mao từ lâu đã trở nên chua chát trong các quan hệ của họ với phe cộng sản hướng đến Sô Viết tại Việt Nam.  Trung Quốc tiếp tục trợ giúp phe Khmer Đỏ sau khi có sự chiến thắng của họ trước các lực lượng của Lon Nol trong năm 1975, và họ đã khuyến khích các đồng minh mới theo chủ thuyết họ Mao kháng cự lại mưu toan của Việt Nam nhằm giành bá quyền trong vùng.  Các sự khích động này đã gia tăng về cường độ trong suốt khoảng giữa thập niên 1970, khi chế độ Pol Pot leo thang tác phong gây hấn và thường không thể tiên đoán được tại biên giơi Việt Nam.
Trước tiên, Trung Quốc và Việt Nam kiềm chế sự đối đầu trực tiếp vì Căm Bốt.  Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh đã ký kết một thỏa ước viện trợ quân sự với Pol Pot trong Tháng Chín 1977, Pol Pot hiển nhiên cảm thấy ông ta đã có sự ủng hộ vô điều kiện của chế độ Trung Quốc và đã gia tăng các sự đụng độ tại biên giới với Việt Nam.  Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Tháng Mười Một 1977 đã không tháo gỡ được ngòi nổ của cuộc khủng hoảng, nhưng thay vào đó thúc đẩy Trung Quốc đòi hỏi rằng Việt Nam phải triệt thoái toàn thể bộ đội của họ ra khỏi miền đông Căm Bốt.[16] Vào mùa xuân 1978, việc leo thang khẩu chiến ngang qua biên giới châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dân tỵ nạn ồ ạt, khi hàng nghìn người gốc Hoa ùa sang miền nam Trung Quốc.  Cuộc ra đi của dân tỵ nạn đã thổi lửa vào các xúc cảm ở cả hai bên, dẫn dắt phía Trung Quốc gán cho phía Việt Nam là kỳ thị chủng tộc, và phía Việt Nam tố cáo phía Trung Quốc về sự do thám đại quy mô bên trong biên giới của họ.
Trận gió cuối cùng thổi mất sự hòa giải khả hữu giữa Trung Quốc – Việt Nam là cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt trong Ngày Lễ Giáng Sinh 1978.  Hành vi này làm phía Trung Quốc tức giận vì một số lý do.  Trước tiên, nó biểu lộ sự quyết tâm nghiêm chỉnh về phía Việt Nam để khẳng quyết bá quyền trên Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc nhìn như nằm trong phạm vi khu vực ảnh hưởng truyền thống của chính Trung Quốc.  Thứ nhì, nó lliên can đến một cuộc tấn công đánh vào một trong vài đồng minh ý thức hệ còn sót lại của Trung Quốc bởi một quốc gia chư hầu của đối thủ lớn nhất của Trung Quốc, Liên Bang Sô Viết.  Bởi vậy, do sự mở rộng, cuộc xung đột mang ý nghĩa nhiều hơn một vấn đề đơn thuần về cán cân quyền lực cấp vùng.  Từ quan điểm này, tất cả các sự bất bình khác của Trung Quốc (tức các sự bất đồng về biên giới, sự đối xử với Hoa kiều hải ngoại, v.v…) rõ ràng là các vấn đề nhỏ sẽ không bao giờ dẫn dắt đến cuộc xung đột quy mô .[17]
Vào ngày 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam với một lực lượng hơn 100,000 quân và 190,000 quân trừ bị, được đẩy ra chống lại 60,000 đến 80,000 bộ đội chính quy Việt Nam và quân số tương tự của các lực lượng dân quân địa phương.  Bất kể một vài sự tường thuật của Phương Tây ngược lại, có vẻ rằng cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc không hề có nghĩa sẽ là một cuộc xâm lăng toàn lực.  Khi cứu xét đến kích thước của quân đội Trung Quốc và sự lựa chọn các chiến thuật của nó trong cuộc tranh chấp, người ta dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt.  Vào lúc có cuộc xung đột, quân đội Trung Quốc có tổng số hơn 4 triệu quân tại ngũ, kể cả hai mươi chín sư đoàn chủ lực quân và các binh sĩ thuộc lực lượng địa phương đồn trú tại hai quân khu giáp ranh với Việt Nam.[18] Nếu họ có ý hướng như thế, phía Trung Quốc có thể tung ra một lực lượng lớn hơn nhiều để đánh Việt Nam, áp đảo hoàn toàn sự phòng thủ biên giới của Việt Nam.  Vả lại, chiến lược hiển thị của Trung Quốc phù hợp với việc không chinh phục, mà nhằm vào việc ra dấu hiệu.  Nếu phía Trung Quốc chủ định chiếm cứ Hà Nội, họ sẽ không tấn công tại nhiều địa điểm dọc theo biên giới như họ đã làm, thay vào đó sẽ lựa chọn một hay hai điểm xâm nhập then chốt và tiến quân mạnh về thủ đô, như bị phán quyết bởi chiến lược quân sự đương thời.[19] Chính họ Đặng đã xác định bản chất hạn chế của cuộc tấn công hôm 26 Thang Hai trong các lời tuyên bố với báo chí quốc tế:
Mục tiêu của chúng tôi là một mục tiêu hạn chế — tức là dậy cho họ rằng họ không thể chạy rông khắp nơi như họ mong muốn.[20]
Ngoài ra, họ Đặng đã loan báo ít ngày sau đó rằng các lực lượng Trung Quốc đã không có ý định chiếm cứ Hà Nội.[21] Cả hai dấu hiệu này chắc chắn được hướng về Moscow, nơi đã ký kết một hiệp ước phòng thủ quân sự hỗ tương (một số người nói là một liên minh quân sự) với Việt Nam mới chỉ một năm trước đó.
Chúng ta giờ đây hướng đến một sự phân tích về chiến lược cưỡng hành của Trung Quốc trong nhiều tháng trước khi có cuộc xâm lăng.
CHÍNH SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Các nỗ lực cụ thể của Trung Quốc thực hiện phương thức ngoại giao cưỡng hành khởi sự sau khi có cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt hôm lễ Giáng Sinh 1978.  Như đã nêu ra nơi phần dẫn nhập, mục tiêu chính yếu của Trung Quốc là nhằm thuyết phục Việt Nam triệt thoái ra khỏi Căm Bốt (trong thực chất, tái lập nguyên trạng trước chiến tranh: status quo antebellum), hay điều tác giả George sẽ xem là một chiến lược Loại B cổ điển.  Một cách cụ thể hơn, nó giống như biến thể của phương thức ngoại giao cưỡng hành được mô tả bởi các tác giả như “khảo hướng thử làm và xem xét: try and see approach”, bởi vì phía Trung Quốc đã không liên kết đòi hỏi của họ với một giới hạn về thời gian; chính vì thế, họ đã không tạo ra một cảm thức mạnh mẽ về sự khẩn cấp.[22] Thay vào đó, họ đã thực hiện một hoạt động quân sự hạn chế và sau đó đã chờ xem là liệu có đủ để thuyết phục Việt Nam rút quân ra khỏi Căm Bốt hay không.
Cuộc thảo luận còn lại của chúng ta về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam đặt trọng tâm vào bốn biến số từ mô thức ngoại giao cưỡng hành của George và Simon (sự trong sáng liên can đến các điều khoản chính xác của sự giải quyết, sự bất cân xứng của động lực, cảm thức về sự khẩn cấp, và tính không thể chấp nhận sự leo thang). Sự phân tích này được củng cố thêm nữa bởi một cuộc thảo luận kết thúc về các hiệu ứng thường trái ngược trên các nỗ lực thực hiện ngoại giao cưỡng hành của sự điều hành khủng hoảng.
Các Mục Tiêu Lem Luốt và Các Điều Kiện Thi Hành Không Rõ Ràng
Mục đích cưỡng hành chủ yếu của Trung Quốc trong năm 1979 là buộc Việt Nam phải triệt thoái binh sĩ của nó ra khỏi Căm Bốt và tái lập nguyên trạng trước chiến tranh.  Tuy nhiên, sự truyền đạt của Bắc Kinh về ước muốn này thường mất hút trong các dấu hiệu hỗn độn.  Trong Tháng Mười Một 1978 tại một cuộc họp báo ở Bangkok, Đặng Tiểu Bình đã thảo luận các biện pháp mà Trung Quốc sẽ thực hiện để đối phó với chính sách bá quyền cấp vùng của Việt Nam và đã tuyên bố rằng kích thước của các nỗ lực của Trung Quốc sẽ tùy thuộc ở mức độ của sự xâm lược của Việt Nam tại Căm Bôt.[23] Hai ngày sau khi có sự sụp đổ của Nam Vang hôm 7 Tháng Một, một bài báo của một “bình luận gia” trên tờ Nhân Dân Nhật Báo [Trung Quốc] cảnh cáo rằng “sự chiếm cứ Nam Vang bởi Việt Nam không có nghĩa là sự kết thúc mà chỉ là sự khởi đầu của chiến tranh”.[24] Vào cuối Tháng Một, họ Đặng thực hiện một chuyên du hành được quảng bá sâu rộng sang Hoa Kỳ, nơi ông có nói công khai về nhu cầu trừng phạt “quân Cuba của Phương Đông” và nói rằng “Nếu bạn không dạy cho họ vài bài học cần thiết, họ sẽ không biết phải quấy là gì”. [25]
Đường nét chung xuyên qua các lời tuyên bố này rằng quan tâm chính yếu của Trung Quốc là sự triệt thoái của Việt Nam ra khỏi Căm Bốt.  Về giọng điệu và thời điểm, các lời nhắn nhủ này làm gợi nhớ một cách nổi bật về các chiến lược của Trung Quốc trước khi tiến bước vào cuộc Chiến Tranh Triều Tiên năm 1950 và các cuộc đụng độ biên giơi của họ với Ấn Độ trong năm 1959 và 1962.  Tuy nhiên, bất kể các tiền lệ này, mục tiêu của Trung Quốc thì không rõ ràng đối với Việt Nam, bởi vì các lời cảnh cáo về Căm Bốt được đưa ra trong số nhiều sự kiện khác, các văn thư chói tai không kém thảo luận về các vấn đề phụ thuộc chẳng hạn như các vụ đột nhập biên giới và dân tỵ nạn.[26] Thí dụ, lúc khởi đầu mùa hè 1978, Trung Quốc khởi sự đưa ra các văn thư nghiêm khắc cho Hà Nội liên can “đến các sự khiêu khích thiếu thận trọng”  dọc theo biên giới chung của hai nước.  Hôm 7 Tháng Mười Một 1978, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản đối mạnh mẽ một vụ đột nhập biên giới bị cáo giác từ phía Việt Nam vào ngày 1 Tháng Mười Một khiến cho mười hai thường dân Trung Quốc bị chết hay bị thương.[27] Kháng thư nghiêm trọng thứ nhì được đưa ra hôm 13 Tháng Mười Hai, cảnh cáo các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng họ “phải hiểu có một giới hạn trong sự chịu đựng của Trung Quốc” và nếu họ “vẫn khăng khăng trong đường hướng của họ và tiếp tục xâm lấn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các hậu quả”.[28] Lời cảnh cáo này được lập lại một lần nữa trong các văn thư công bố ngày 24 Tháng Mười Hai.  Sau cùng, vào các ngày 18 Tháng Một, 12 Tháng Hai, và 16 Tháng Hai, Bắc Kinh đã đưa ra các sự phản kháng mạnh mẽ nhất của nó chống lại các sự đột nhập biên giơi của Việt Nam và ám chỉ chiến sự sắp xẩy đên.[29]
Ngay trong ngày có cuộc xâm lăng của Trung Quốc, hôm 17 Tháng Hai, lời giải thích chính thức của Bắc Kinh tuyên bố rằng phía Trung Quốc bị “buộc phải đứng lên để hoàn kích tự vệ” bởi có các sự “khiêu khích vũ trang không ngừng và các hoạt động thù nghich” của Việt Nam dọc theo biên giới của họ.[30] Thêm vào đó, họ loan báo rằng “mục tiêu” của cuộc tấn công “giáo trừng” của họ là nhằm bảo toàn “một biên giới hòa bình và ổn định”. [31] Bản tuyên bố chính thức đã không đề cập gì cả đến cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt, cũng không ấn định các điều kiện cho sự rút lui của Trung Quốc ra khỏi Việt Nam, chẳng hạn như sự ngưng bắn tức khắc tại Căm Bốt và sự rút quân theo từng giai đoạn của quân chính quy Việt Nam.  Tác giả Herbert Yee lập luận rằng văn thư của Trung Quốc đã dành cho Việt Nam một cơ hội để triệt thoái binh sĩ ra khỏi Căm Bốt mà không bị mất mặt và cự tuyệt không mang lại cho Sô Viết một duyên cớ để can thiệp nhân danh Hà Nội.[32] Nó cũng có thể được khẳng định  rằng việc đặt tên cho cuộc công kích là một ‘cuộc phản công” cũng đã trợ lực vào việc củng cố sự ủng hộ trong nước và tinh thần trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ), bởi vì cũng dể hiểu là khó để giải thích cho dân chúng tại sao cựu “đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em” của Trung Quốc giờ đây lại là một đối thủ quân sự.  Tuy nhiên, ngay cả những sự khẳng định này là đúng, sự mơ hồ trong việc ra dâu hiệu ở tầm mức này không khiến dẫn đến sự thành công của ngoại giao cưỡng hành, đặc biệt với kích thước to lớn của mục tiêu mà Bắc Kinh muốn tìm kiếm từ Hà Nội.[33] Lời tuyên bố chuyển đến Việt Nam không có chỉ dẫn rõ ràng về các ý định của Trung Quốc, cũng không ấn định rõ ràng các điều khoản của sự tuân hành.[34]   Ngay lời tuyên bố sau này được đưa ra tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bởi đại diện của Trung Quốc, Chen Chu, rằng Trung Quốc “sẽ chỉ rút lui sau khi hoàn tất sự trừng phạt” đã không đưa ra một cách công khai bất kỳ điều khoản nào của sự tuân hành.[35] Muốn cho ngoại giao cuỡng bức được thành công, phía Trung Quốc phải truyền đạt một cách kỹ càng các ước muốn chính xác của họ cho Hà Nội, cũng như các hành vi đơn phương và lâm thời chứng tỏ thiện chí mà chính phủ Việt Nam có thể tiến hành để bày tỏ sự sẵn lòng của họ nhằm tuân hành theo các đòi hỏi (sự rút toàn thể 100,000 quân không thể diễn ra trong một đêm).
Không Lối Thoát Ra: Sự Bất Cân Xứng của Động Lực
Để xác định được bên nào chiếm ưu thế từ sự bất cân xứng về động lực của các tác giả George và Simon, cần đo lường ba yếu tố: động lực của bên cưỡng hành để chiến đâu, mức độ to nhỏ trong đòi hỏi của nó, và ý chí kháng cự của phía mục tiêu.  Trong các trường hợp nghiên cứu điển hình được biên tập, sự phân tích các yếu tố tổng quát này đã bị ảnh hưởng không tránh khỏi bởi kết quả của chính cuộc xung đột.  Nơi đây cũng thế, điều được nhìn nhận rằng một số khẳng định theo sau đã bị nhuốm màu sắc bởi cái nhìn sau này, bởi thành kiến, và bởi sự tuyên truyền  được đưa ra bởi cả hai bên, nhưng một cố gắng đã được thực hiện để mang lại các sự ưu tiên (preferences)  tổng hợp được kết tinh từ các hành động và ý kiến của hai bên tham dự.
Theo tiêu chuẩn cho sự bất cân xứng về động lực của George và Simon, Trung Quốc đã không sở đắc một ưu thế trong cuộc xung đột với Việt Nam.  Trước tiên, động lực của Bắc Kinh bị suy yếu bởi sự kiện rằng nó đã không thể nhìn vấn đề về mặt sống hay chết, chính yếu bởi nó không liên can đên một nghịch lý của tổng số là không [zero-sum, chỉ một hệ thống hay hoạt đông trong đó các lợi lộc ngang bằng các thua lỗ, như một nền kinh tế có tổng kết là số không, huề vốn, chú của người dịch] giữa chính nó và Việt Nam (bất kể sự tuyên truyền ngược lại, họ đang đánh nhau trên lãnh thổ tranh chấp không phải trên biên giới của họ mà trên biên giới của một nước thứ ba).  Mặt khác, Bắc Kinh dường như đã nhận thức (một cách sai lầm) rằng phía Việt Nam sẽ dễ dàng để cưỡng hành.  Các lời tuyên bố của các lãnh tụ Trung Quốc phát lộ sự tin tưởng sâu xa của họ về uy lực trội bật của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc và đã ước định sự kháng cự tối thiểu của các lực lượng Việt Nam chống đối.[36]
Mặc dù một lập luận có thể được chống đỡ rằng cuộc chiến tranh tốn kém của Việt Nam tại Căm Bốt đã làm giảm thiểu khả năng chiến đấu một cuộc chiên tranh trên hai mặt trận, sự tin tưởng tràn đầy của giới lãnh đạo quân sự của Trung Quốc trong thực tế không có mấy căn bản.  Đúng thực là Trung Quốc đã giao chiến trong một số các vụ xung đột kể từ khi có cuộc “chiến thắng” của họ tại Hàn Quốc, kể cả một số vụ đụng độ với người Nga, nhưng họ đã không thực hiện một hoạt động quân sự ớ mức độ toàn diện chống lại một đối thủ có năng lực trong hơn ba mươi năm.  Trang thiết bị của họ thì lỗi thời, các chiến thuật của họ không thích hợp với cuộc công kích phối hợp các binh chủng hiện đại, và đại đa số các tư lệnh trung đoàn của QĐGPNDTQ chưa hề nhìn thấy trận chiến.[37] Hơn nữa, sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đếm xỉa đến sự kiện xem ra hiển nhiên rằng Việt Nam vừa hoàn thành việc phát động một cuộc chiến tranh du kích ba mươi lăm năm thắng lợi trước một số kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.  Vì thế, điều phải không nên lấy làm ngạc nhiên, khi sự thành công ban đầu mau chóng nhường bước cho sự bế tắc, trong khi các số tổn thất bắt đầu lên cao cho quân đội Trung Quốc.
Việt Nam, mặt khác, đã không thiếu động lực trong cuộc khủng hoảng, bất kể cơn ác mộng tiếp vận của việc theo đuổi một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận.  Trước tiên, các phí tổn đã đặt xuông của họ (khoản đầu tư về nhân lực và vật lực) liên quan đến hoạt động tại Căm Bốt khiến cho Việt Nam gần như không thể nào rút ra một cách mau chóng, và đã củng cố một cách hữu hiệu sự kháng cự của họ trước sự cưỡng hành của Trung Quốc.  Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có các lý do để giả định rằng giới lãnh đạo già nua của Trung Quốc thiếu ý chí chiến đấu.  Trên hết, họ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ hành động một cách thận trọng, không để Bắc Kinh khiêu dẫn một sự đáp ứng chiến đấu từ Moscow.  Họ cũng có thể giả định rằng giới lãnh đạo già nua của Trung Quốc thì bận tâm với chiến dịch hiện đại hóa mới ló dạng của xứ sở, với sự chú ý khổng lồ mà nó nhận được trên báo chí nội địa Trung Quốc quanh thời gian có cuộc xâm lăng Căm Bốt.  Sau cùng họ có thể đã kết luận (một cách xác đáng) rằng quân đội Trung Quốc được trang bị tồi và thiếu huấn luyện cho một cuộc công kích như thế và có thể bị đẩy lui bởi các lực lượng biên phòng và dân quân Việt Nam.
Đặt các yếu tố nội tại này sang một bên, ngay trong suốt cuộc khủng hoảng, Trung Quốc đã không thi hành các chính sách làm biến đổi sự bất cân xứng này để có lợi của mình, chẳng hạn như chỉ đòi hỏi những gì cốt yếu cho các quyền lợi của họ hay đưa ra mồi nhử cho phía Việt Nam.  Thay vào đó, Trung Quốc đã đưa ra các đòi hỏi vượt quá xa những gì là “cốt yếu” cho các quyền lợi của họ, yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một sự lui bước tốn kém ra khỏi Căm Bốt, sẽ đưa đến một sự mất mặt và tai tiếng không thể chấp nhận được trong cộng đồng thế giới.[38] Hơn nữa, Bắc Kinh không hề đề nghị một cách công khai với Hà Nội bất kỳ sự khích lệ kinh tế hay chính trị nào để rút lui ra khỏi Căm Bốt một cách hòa bình, cũng như không ra dấu hiệu về những bước tiến trung gian mà Hà Nội có thể làm để bày tỏ ước muốn của họ cho sự giải quyết khủng hoảng ôn hòa.[39] Trung Quốc còn không đưa ra cả một thời biểu linh động cho sự triệt thoái, là điều xem ra hữu lý so với tầm mức to lớn của sự đòi hỏi.  Tất cả các lỗi lầm và sự thiếu sót này đã ngăn cản Trung Quốc khỏi việc thụ hưởng một sự bất cân xứng thuận lợi về động lực, hay ít nhất, làm giảm thiểu sự bất cân xứng của Việt Nam.
Từ bằng chứng này, có thể kết luận rằng sự bất cân xứng về động lực thuận lợi cho phía Việt Nam trong cuộc khủng hoảng và rằng sự bất cân đối này đã có hai hậu quả đáng kể.  Nó đã hạ thấp một cách hữu hiệu xác xuất của sự thành công quân sự của Trung Quốc bất kể có sự áp đảo về quân số; và quan trọng hơn, làm suy yếu các hy vọng của Trung Quốc về phương sách ngoại giao cưỡng hành thành công.
Tính Bất Khả Chấp Nhận Sự Leo Thang Của Trung Quốc
Hiển hiện trong cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Việt Nam là bóng ma của Liên Bang Sô Viết, nước đã ký kết một hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hà Nội không lâu trước khi có cuộc xâm lăng vào Căm Bốt.  Điều rõ ràng không nằm trong các quyền lợi của Trung Quốc để có lân bang phương bắc vũ trang hạng nặng gia nhập vào cuộc xung đột. bởi gần bốn mươi ba sư đoàn trang bị súng tự động của Sô Viết đang ở tư thế sẵn sàng ứng chiến tại biên giới của Trung Quốc, chưa nói đến ưu thế hạt nhân áp đảo của Liên Bang Sô Viết.
Để ngăn chặn sự leo thang này, Bắc Kinh đã thực hiện một số bước tiến quan yếu.  Trước tiên, như tác giả Yee đã lập luận, lời lẽ trong văn thư gửi Việt Nam hôm 17 Tháng Hai đã được gọt dũa một cách cẩn trọng sao cho không “mang lại cho Moscow một duyên cớ tương tự nào khác để can thiệp nhân danh Hà Nội”.[40]   Qua việc chỉ đề cập đến các vấn đề biên giới tầm thường, phía Trung Quốc minh thị rằng họ không có chủ định về một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Việt Nam.  Mặt khác, nếu Trung Quốc tuyên bố ý định của nó nhằm xâm lăng và chiếm giữ quốc gia Việt Nam, LBSV sẽ bị bó buộc tiến vào cuộc khủng hoảng, có thể tấn công ngay tại Trung Quốc.  Thứ nhì, hành động của Trung Quốc vẫn còn tương đối “hạn chế”về phạm vi.  Như đã ghi nhận trước đây, chỉ 100,000 binh sĩ đã được sử dụng trong cuộc xâm lăng (trên lực lượng tổng cộng 4.3 triệu quân) và các chiến thuật sử dụng không phải là các chiến thuật đi liền với việc chinh phục.  Bản thân họ Đặng, được hỏi là liệu ông ta có nghĩ rằng Moscow sẽ can thiệp hay không, đã trả lời: “Chúng tôi ước lượng rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không có một hành động quá lớn.  Tôi nghĩ hành động của chúng tôi thì hạn chế, và nó sẽ không đưa đến một biến cố rất lớn.[41] Tuy nhiên, như một biện pháp đối phó thận trọng, Trung Quốc được tường thuật đã di tản hàng nghìn cư dân khỏi các ngôi làng gần biên giới Nga-Hoa trong các tuần lễ trước khi có cuộc tấn công của nó vào Việt Nam, đã đặt toàn thể quân khu thuộc Mặt Trận Phương Bắc vào tình trạng báo động tối đa, và đã khởi sự thảo luận các kế hoạch khẩn cấp cho việc di tản các ngoại kiều ra khỏi Bắc Kinh.[42]
Một thành tố quan trọng thứ ba trong chiến lược của Trung Quốc để giữ Liên Bang Sô Viết đứng bên ngoài cuộc chiến tranh là sự ứng dụng tinh tế của họ “con bài Hoa Kỳ”.  Vào ngày 1 Tháng Một 1979, một tuần sau khi Việt Nam xâm lăng Căm Bốt, Hoa Kỳ và Trung Quốc kết thúc tiến trình bình thường hóa ngoại giao.  Tại một bữa tiệc theo sau sự ký kết các thỏa thuận, Hoa Quốc Phong đã lên tiếng thẳng thắn về giá trị của mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ vừa được cải thiện:
Tôi tin rằng sự thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một biến cố lịch sử trong các quan hệ song phương của chúng ta, không chỉ phù hợp với các quyền lợi nền tảng của nhân dân Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà sẽ còn hành sử một ảnh hưởng thuận lợi trên tình hình quốc tế.[43] (phần nhấn mạnh là của tác giả thêm vào.)
Ngày kế tiếp, trong một cuộc tiếp tân cùng với Phó Tổng Thống Walter Mondale, Trưởng Phòng Liên Lạc Trung Quốc, Chai Zemin còn nói một cách cụ thể hơn:
Sự bình thường hóa các quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ không chỉ tương hợp với các khát vọng và quyền lợi của nhân dân Trung Quốc và nhân dân Hoa Kỳ, mà chắc chắn sẽ đóng một vai trò trong việc chiến đấu lại sự bành trướng và xâm lược của chủ nghĩa bá quyền .[44] (phần nhấn mạnh là của tác giả thêm vào.)
Bá quyền trong vấn đề rõ ràng là Liên Bang Sô Viết.
Như thể để nhấn mạnh đến chủ đề này, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một cuộc thăm viếng được quảng bá sâu rộng sang Hoa Kỳ, nơi ông ta đã sỉ vả chống lại chính sách bá quyền Sô Viết và công khai hứa hẹn sẽ “dậy cho Việt Nam một bài học”. [45]  Mặc dù các lời tuyên bố của chính quyền Carter sau sự kiện rõ ràng cho thấy rằng chúng đã không chấp thuận một cách công nhiên cuộc xâm lăng của Trung Quốc trong cuộc du hành của họ Đặng, các lời tuyên bố này vẫn bị mắc kẹt trong một trò chơi khó rút tay ra được [Chinese finger puzzle trong nguyên bản theo một lối chơi chữ, chú của người dịch], bởi vì sự chỉ trích của công luận đối với Bắc Kinh sẽ mau chóng làm cáu bẩn các quan hệ có tầm quan trọng chiến lược vừa mới thiết lập của Hoa Kỳ với giới lãnh đạo Trung Quốc.  Trong khi dừng lại ngay trước sự ủng hộ trực tiếp, sự hiện diện hợp thời của hàng không mẫu hạm Constellation của Mỹ tại hải phận quốc tế ngoài khơi Việt Nam và chiếc dù hạt nhân khắp nơi của Hoa Kỳ giúp bảo đảm rằng Sô Viết không dám đặt cược tháu cáy.[46]
Trung Quốc cũng cực kỳ thận trọng không khiêu khích sự can thiệp của Sô Viết xuyên qua sự tiến hành bản thân cuộc chiến.  Sau khi các chiến sự ban đầu khởi sự, Bắc Kinh đã đoan quyết với Moscow rằng việc chinh phục Việt Nam không phải là mục tiêu của họ.  “Chúng tôi không muốn dù chỉ một tấc đất của lãnh thổ Việt Nam … Sau cuộc hoàn kích đánh vào quân xâm lược Việt Nam mà họ xứng đáng nhận chịu, các binh sĩ biên cương Trung Quốc sẽ nghiêm ngặt giữ việc phòng vệ biên giới của xứ sở của chính họ”. [47] Tương tự, Đặng Tiểu Bình trong một lời tuyên bố công khai vào ngày kế tiếp đã tìm cách thuyết phục Liên Bang Sô Viết và thế giới rằng cuộc xung đột sẽ có bản chất hạn chế, không khác gì cuộc chiến tranh của họ với Ấn Độ hồi năm 1962, kéo dài chỉ trong một tháng: “Hành động này sẽ là một hành động hạn chế, một hành động phản ứng lại sự khiêu khích, sẽ thận trọng để lo liệu tình hình, và nó sẽ không được mở rộng hay kéo dài trong bất kỳ phương hướng nào. [48]
Các lời hứa của Trung Quốc về sự hạn chế không leo thang cũng được xác nhận trong các chiến thuật mà QĐGPNDTQ sử dụng trên chiến trường.  Trước tiên, quân đội Trung Quốc đã không sử dụng không lực của nó để yểm trợ các đơn vị chiến đấu tiền phương, mặc dù nó có ưu thế số lượng rõ rệt.[49] Thứ nhì, một nhà phân tích quân sự thông thạo và được kính trọng tường thuật rằng các lực lượng Trung Quốc được lệnh không được tiến sâu hơn năm mươi cây số vào trong lãnh thổ Việt Nam.[50] Thứ ba, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc đã quyết liệt phủ nhận rằng mục tiêu của các lực lượng QĐGPNDTQ là thung lũng Sông Hồng đông đảo dân cư hay Hà Nội, bởi vì việc đe dọa Hà Nội chắc chắn sẽ khiêu khích sự can thiệp của Sô Viết vào cuộc xung đột.[51]
Trong khi các nỗ lực này để quản trị cuộc khủng hoảng đã cứu Trung Quốc tránh khỏi một sự khai hỏa lớn hơn nhiều với lân bang Nga Sô, điều đó đã báo hiệu sự sụp đổ của ngoại giao cưỡng hành của CHNDTQ chống Việt Nam.  Không có sự đe dọa ngấm ngầm sự leo thang, Việt Nam đã có thể giữ lại lực lượng quân sự của mình tại Căm Bốt và giao tranh với Trung Quốc bằng các binh sĩ biên phòng và dân quân địa phưong.  Hơn nữa, sự quan tâm bao trùm của Bắc Kinh với việc ngăn cản sự can thiệp vũ trang của Sô Viết tất nhiên đã hạn chế các sự lựa chọn của Trung Quốc, chẳng hạn như các cuộc tấn kích chiến lược sâu vào các đồng bằng của Việt Nam, sẽ cắt đứt được sự tiếp tế cho các đơn vị tiền phương.[52] Nếu QĐGPNDTQ có thể mở rộng cuộc chiến tranh mà không lo sợ sự trả đũa của Nga, khi đó phía Việt Nam sẽ bị buộc phải chuyển quân ra khỏi chiến trường Căm Bốt lên biên giới phía bắc của họ, chính vì thế làm giảm nhẹ áp lực trên cuộc nổi dậy của Khmer Đỏ bản xứ và có lẽ còn làm gia tăng các phí tổn của sự chiếm đóng kéo dài cho đến mức mà phía Việt Nam sẽ phải tuân hành theo các đòi hỏi của Trung Quốc và triệt thoái hoàn toàn ra khỏi Căm Bốt.
Sự Xung Đột Giữa Việc Điều Hành Khủng Hoảng Và
Ngoại Giao Cưỡng Hành
Tromg sự phân tích cuối cùng, dường như các nỗ lực của Trung Quốc nhằm điều hành khủng hoảng trong suốt cuộc xâm lăng thực sự làm suy yếu toan tính của họ trong ngoại giao cưỡng hành bởi việc dập tắt và đôi khi đi ngược với các chiến lược ép buộc (compellence) của họ trong bốn khía cạnh.  Thứ nhất, Trung Quốc đã né tránh các hành động đưa ra dấu hiệu sự leo thang tương lai thành chiến tranh đại quy mô và chiếm đóng.  Điều này đã có hậu quả vô tình làm suy yếu chiến lược cưỡng hành của họ, vốn đòi hỏi phía Việt Nam phải nhận thức được rằng sư leo thang là một giải pháp nghiêm chỉnh và khả hành.  Với một sự đe dọa leo thang khả tín, phía Việt Nam có thể mất đi sự bất cân xứng về động lực của họ và cứu xét đến một số loại giải quyết bằng thương thảo.  Thay vào đó, họ hiển nhiên cảm thấy an toàn trong việc thách đố quân đội Trung Quốc trên chiến trường và chờ đợi các biến cố xoay chuyển có lợi cho họ.
Thứ nhì, các sự ngừng nghỉ chiến lược đánh dấu các lời tuyên bố trước và trong cuộc xâm lăng thường có hậu quả vô hình trung làm giảm nhẹ áp lực ngoại giao trên Hà Nội và cho phép Hà Nội tái tập hợp các lực lượng của nó.  Nếu Trung Quốc thay vào đó áp dụng một chính sách “xiết ốc từ từ”, chẳng hạn như chính sách được sử dụng bởi Hoa Kỳ trong Cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiễn tại Cuba, phía Việt Nam có thể có một ý tưởng rõ ràng hơn về các mục đích của Trung Quốc và các điều khoản để tuân hành.  Thí dụ, nếu các sự đe dọa của Trung Quốc chỉ từ từ leo thang trong lời nói, cùng với các sự gia tăng cụ thể trong sự ứng chiến quân sự, khi đó có thể Việt Nam sẽ chặn đầu cuộc xâm lăng của Trung Quốc với việc mở ngỏ các sự nhương bộ.  Như đã xảy ra, sự đưa ra dấu hiệu của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải tập trung vào các khía cạnh quân sự của cuộc khủng hoảng và giải quyết sự tranh chấp trên chiến trường.
Thứ ba, các sự di chuyển của các lực lượng Trung Quốc và các sự đe dọa vũ lực với chủ định phô bày quyết tâm đã không nhất quán với các mục tiêu ngoại giao hạn chế của Bắc Kinh..  Thay vào đó, mức độ của “tiếng ồn”, hay các dấu hiệu làm hoang mang, thì cực kỳ cao trước và trong suốt cuộc khủng hoảng.  Như đã được tranh luận trước đây, các lời tuyên bố của Trung Quốc vào ngày xâm lăng đã không đề cập đến cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt, tách rời một cách hữu hiệu nó ra khỏi cuộc xâm lược của Trung Quốc.  Nếu Bắc Kinh đã đưa ra một sự nối kết rõ ràng giữa các cuộc tấn công biên giới của họ và một ước muốn có sự triệt thoái của Việt Nam, điều đó sẽ làm tăng khả tính của ngoại giao cưỡng hành thành công bằng việc nói rõ các điều khoản của sự tuân hành.  Thay vào đó, Hà Nội được để yên để giải mã các lời gầm gừ của Trung Quốc về chủ quyền biên giới và ý nghĩa của các từ ngữ như “hoàn kích tự vệ”.
Sau cùng, Bắc Kinh đã không tuyển chọn các đề nghị ngoại giao và các bước tiến quân sự để cung cấp cho Việt Nam một lối thoát còn giữ lại sĩ diện.  Trong nhiều phương cách, đây là một sự chỉ trich làm phương hại đến toàn thể chính sách.  Đòi hỏi của Bắc Kinh rằng Việt Nam phải từ bỏ sự chiếm đóng của nó tại Căm Bốt rõ ràng là một mục đích quá to lớn.  Bởi đối với Hà Nội, việc vứt bỏ sự đầu tư của nó sẽ đưa đến các tổn thất tài chính khổng lồ và sự sỉ nhục ngoại giao.  Hơn nữa, Bắc Kinh không hề truyền đạt bất kỳ vị thế chuyển tiếp khả dĩ chấp nhận được, chẳng hạn sự rút lui theo từng giai đoạn hay các sự bảo đảm cho sự tự trị chính trị của Căm Bốt.  Thay vào đó Trung Quốc cương quyết duy trì một lập trường không thực tế về mặt tiếp vận và chính trị đòi hỏi không gì khác hơn một sự triệt thoái tức thời.
KẾT LUẬN
Từ mọi sự tường thuật có được, cuộc xâm lăng của Trung Quốc đã là một sự thất bại đáng kinh ngạc.  Trong khi đạt được một số các mục tiêu chiến thuật, mục tiêu chiến lược chính yếu nhằm ép buộc Việt Nam phải triệt thoái các lực lượng ra khỏi Căm Bốt đã bị cản trở bởi sự dẻo dai của dân quân Việt Nam và sự vô hiệu năng của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.  Sau một tháng giao tranh, quân đội Trung Quốc rũ liệt quay về ngang qua biên giới, để cho Việt Nam chiếm cứ Căm Bốt trong mười hai năm nữa.[53] Các phần tử thân Bắc Kinh trong chính quyền Hà Nội tán thành sự rút lui ra khỏi Căm Bốt, chẳng hạn như đảng viên kỳ cựu Hoàng Văn Hoan, hoặc bị bắt giữ hay buộc phải đào tẩu sang Trung Quốc.[54] Quay về mặt đối nội, Đặng Tiểu Bình thổi kèn loan báo cuộc xâm lăng như một thắng lợi trước sự chỉ trích trong nước, trong khi tấn công trong nội bộ các nhược điểm trong sự thi hành của QĐGPNDTQ (phối hợp tồi của không quân và pháo binh, thiếu trang thiết bị hiện đại, các khiếm khuyết nghiêm trọng về tiếp vận) và thực hiện một nỗ lực hiện đại hóa quan trọng trong các lực lượng vũ trang.  Sự thất bại cũng đã trao cho họ Đặng vốn liếng chính trị đủ mạnh để thanh lọc các phần tử bảo thủ và theo học thuyết họ Mao còn rơi rớt ra khỏi QĐGPNDTQ và thực thi một sự cắt giảm bao quát trong ngân sách phòng vệ của quân đội.[55]
Đối với các mục đích của chúng ta, sự thất bại của Trung Quốc để cưỡng hành Việt Nam khẳng định sự vững chắc của mô thức trên lý thuyết của George và Simon trong các trường hợp phi-Hoa Kỳ.  Các yếu tố đã đóng góp nhiều nhất cho sự thất bại là một sự bất cân xứng rõ ràng về động lực nghiêng về phía Việt Nam; sự ra dấu hiệu không rõ ràng của Trung Quốc về các mục tiêu của nó và các điều khoản của sự tuân hành; sự xung đột giữa các yêu cầu của sự điều hành khủng hoảng và các yêu cầu của ngoại giao cưỡng hành, và các sự kiềm chế bên ngoài (liên minh của Việt Nam với Liên bang Sô Viết) trên sự leo thang cuộc khủng hoảng của Trung Quốc.  Trong các yếu tố này, tôi sẽ lập luận rằng sự đe dọa từ Moscow đã là yếu tố đáng kể nhất, bởi sự xuất hiện lù lù của Nga trong cuộc chiến tranh đã buộc phía Trung Quốc phải chấp nhận các nguyên tắc của sự điều hòa khủng hoảng, chẳng hạn như các sự ngừng nghỉ chiến lược và các hành động đã không đưa ra dấu hiệu sự leo thang đại quy mô, chính vì thế sau rốt làm suy yếu các nỗ lực của họ để thực hiện ngoại giao cưỡng hành.
Sau hết, có thể là bản thân tình hình không thực sự có lợi cho việc áp dụng ngoại giao cưỡng hành, với sự hiện diện ‘ngăn chặn” sâu rộng của Liên Bang Sô Viết.  Trong thực tế, các sự kiềm chế bên ngoài đã giết chết nó ngay từ lúc khởi đầu.  Ngay dù quân đội Trung Quốc có chiến đấu khá hơn trên chiến trường, họ có thể không đạt được mục tiêu tối hậu của họ, bởi chỉ có một cuộc xâm lăng toàn diện vào Việt Nam mới ép buộc Việt Nam rút quân khỏi Căm Bốt và sự leo thang cực đoan như thế từ phía Trung Quốc sẽ lôi kéo người Nga vào cuộc khủng hoảng.  Chính vì thế, phải kết luận rằng phía Trung Quốc vừa xác định tình hình sai lầm và vừa áp dụng sai lầm các nguyên tắc của ngoại giao cưỡng hành.
Trung Quốc có học được bất kỳ điều gì từ cuộc khủng hoảng này hay không? Sự phóng chiếu vũ lực gần đây nhất của họ đã xẩy ra tại biển Nam Hải trên Quần Đảo Trường Sa chứa nhiều dầu hỏa, vốn được tuyên xác bởi một loạt các nước trong vùng, kể cả Việt Nam.  Một lần nữa, quân đội Trung Quốc đã tìm cách ép buộc các lực lượng phòng thủ Việt Nam, hy vọng đuổi được Việt Nam ra khỏi một cuộc chinh phục hy hữu.  Lần này các lực lượng Trung Quốc được hiện đại hóa hơn nhiều so với tình trạng của chúng trong năm 1979, và phạm vi hiện diện khắp nơi của Liên Bang Sô Viết đã ra đi.  Có vẻ như Trung Quốc có thể hành động theo cách của họ trong cuộc khủng hoảng, nhưng các sự phát triển gần đây cho thấy một câu chuyện tương tự.  Khối ASEAN, nhiều nước thành viên trong đó đưa ra các tuyên xác chưa được giải quyết, đã dập tắt thành công chủ trương xâm lược của Trung Quốc bằng việc tranh thủ được sự quan tâm của đồng minh thân cận của chúng, Hoa Kỳ.  Mặc dù căn cứ ở Vịnh Subic Bay đóng cửa và Hạm Đội Số 7 ở vào mức độ ứng chiến thấp nhất trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ vẫn có thể đóng giữ một vai trò ngăn chặn tương tự như vai trò của LBSV trong năm 1979.  Với bản chất mong manh trong các quan hệ hiện thời của Trung Quốc và Hoa Kỳ, lợi lộc tiềm ẩn của Quần Đảo Trường Sa có thể là một giá quá cao để gánh chịu và có thể buộc phía Trung Quốc phải theo đuổi các chiến lược hợp tác hơn, chẳng hạn như sự phát triển chung trong sự khai thác dầu khí./-
___
Chú thích:
1. Alexander George and William Simons, đồng chủ biên, The Limits of Coercive Diplomacy (Boulder: Westview Press, 1994).
2. “Sự thăm dò tính khả tín” được định nghĩa bởi tác giả Alexander George như là “một trường hợp nghiên cứu điển hình ở giai đoạn sơ bộ của cuộc điều tra” nhằm “giúp cho nhà điều tra phán đoán liệu hiệu lực tiềm ẩn của các giả thiết [của một tác giả] có lớn đủ để chấp thuận một khoản đầu tư quan trọng trong các cuộc nghiên cứu triệt để hơn, với hy vọng trắc nghiệm giả thuyết một cách quyết đoán hơn”.  Xem Alexander L. George, “Case Studies and Theory Development: The Method of Structured, Focused Comparison,” trong sách biên tập bởi  Gordon Lauren, Diplomacy (New York: Free Press, 1979), các trang 43-68.
3. Sự điều hành (hay quản trị) khủng hoảng được định nghĩa nơi đây như khoa học (nghệ thuật?) của sự giải quyết xung đột quốc tế trong thời đại hạt nhân và đối đầu với các sự ngưng nghỉ tạm thời và đưa ra dâu hiệu mang ý nghĩa ngăn chặn cuộc khủng hoảng nằm trong các giới hạn nào đó.  Sự điều hành khủng hoảng thường sắm một quan hệ đối nghịch với ngoại giao cưỡng ép, vốn tìm cách đạt được các mục tiêu ngoại giao hạn chế xuyên qua sự sử dụng các sự đe dọa và vũ lực.
4. George and Simons, trang 281.
5. Cùng nơi dẫn trên, trang 281.
6. Cùng nơi dẫn trên, trang 280.
7. Vào lúc này, họ Mao đang diễn giải lý thuyết “Ba Thế Giới” của ông ta, xác định rằng các siêu cường (Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết) là Thế Giới Thứ Nhất, các nước đã phát triển (cả khối NATO lẫn Thỏa Ước Warsaw) là Thế Giới Thứ Nhì, và các nước đang phát triển là Thế Giới Thứ Ba.  Trong quan điểm của ông, phe xã hội chủ nghĩa, bởi “chủ nghĩa xét lại” và “đế quốc xã hội chủ nghĩa” của LBSV, đã thôi không còn hiện hữu nừa.
8. William J. Duiker, China and Vietnam: The Roots of Conflict (Berkeley, CA: University of California Press, 1986), trang 61.
9. Herbert Yee, “The Sino-Vietnamese Border War: China’s Motives, Calculations, and Strategies,” China Report, Tháng Một/Tháng Hai 1980, các trang 15-32. Cũng xem sự tường trình tin tức của Robert McFadden, New York Times, 18 Tháng Hai, 1979, và Bob Oberdorfer, Washington Post, 1 Tháng Tư, 1979.
10. John Gittings, “Peking Exacts a High Price for Company Hanoi Keeps,” Manchester Guardian Weekly, 25 Tháng Hai, 1979. Cùng quan điểm được bày tỏ bởi học giả đáng kính chuyên về Trung Quốc, Ross Terrill, trong tờ  The Montreal Star, 26 Tháng Hai, 1979.
11. Dennis Duncanson, “China’s Vietnam War: New and Old Strategic Imperatives,” World Today XXV (June 1979), các trang 241-48.
12. Michael Yahuda, “Vietnam and China — the Roots of Conflict,” China Now, số 82 (Tháng Một/Tháng Hai 1979), trang 9.
13. See Bruce Burton, “Contending Explanations of the 1979 Sino-Vietnamese War,” International Journal, các trang 699–722.
14. See Harlan Jencks, “China’s Punitive War Against Vietnam: A Military Assessment,” Asian Survey, vol. XIX, no. 8, August 1979, các trang 801-15; và King Chen, “China’s War Against Vietnam, 1979: A Military Analysis,” The Journal of East Asian Affairs, vol. III, no. 1, spring/summer 1983, các trang 232-63.
15. Đảng cách mạng Việt Nam, do sự ủng hộ về ý thức hệ và tài chính của nó, đã có rất nhiều ảnh hưởng trên các đảng cách mạng Lào và Căm Bốt, và sự hiện diện của chúng sẽ làm gia tăng sức mạnh của phái đoàn Việt Nam [cộng sản].
16. Geng Biao, “Report on the Situation on the Indochinese Peninsula,” Zhonggong Yanjiu (Studies on Chinese Communism), tập 14, số 10 (15 Tháng Mười, 1980), được phiên dịch trong JPRS 77,074.
17. Mặc dù các sự tranh chấp biên giới này và các vấn đề người tỵ nạn không phải là nguyên do chính cho cuộc xâm lăng của Trung Quốc, chúng vẫn rất có ích sau này trong việc bôi bác Việt Nam là kỳ thị chủng tộc và có tinh chất đế quốc chủ nghĩa.
18. Miền Tây và Tây Nam Trung Quốc bao gồm các Quân Khu Thành Đô và Côn Minh.  Cộng chung, hai quân khu này chỉ huy 18 sư đoàn chủ lực quân (khoảng 210,000 binh sĩ), 8 sư đoàn địa phương quân, và 2-3 sư đoàn lính biên phòng.  Dĩ nhiên, các đơn vị tinh nhuệ được vận chuyển đến các khu vực hành quân từ các quân khu khắp nước, khiến cho lực lượng xâm lăng tiềm ẩn có uy lực hơn rất nhiều.  Xem, The Military Balance 1978-79 (London: The International Institute for Strategic Studies, 1978), các trang 55-57, 68-69. Các số ước lượng về các lực lượng của Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện trong bài viết này là các số trung bình của các con số được công bố trong các ấn bản 1978-79 và 1979-80, bởi cuộc xung đột xảy ra vào giữa hai kỳ ấn hành.
19. Muốn có một sự thảo luận về chiến lược quân sự thế kỷ thứ hai mươi và khía niệm chiến tranh chớp nhoáng (blitzkrieg warfare), xem B. H. Liddell Hart, Strategy (London: Meridian Books, 1991), các trang 207-361.
20. 26 Tháng Hai, 1979, trong BBC/SWB/FE/6054/A3/2.
21. New York Times, 21 Tháng Hai, 1979 và 27 Tháng Hai, 1979.
22. George và Simons, Limits of Coercive Diplomacy, trang 18.
23. Renmin Ribao (Nhân Dân Nhật Báo: People’s Daily), 9 Tháng Mười Một, 1978.
24. “People’s Daily Says Phnom Perth Capture ‘Beginning of War’,” Xinhua (Tân Hoa Xã), trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, các trang A19-20.
25. New York Times, 31 Tháng Một, 1979. Cũng xem “SRV Needs ‘Lessons’,” Xinhua (Tân Hoa Xã tại Washington, DC), trong FBIS, 1 Tháng Hai, 1979, các trang A8-9.
26. Trong các tháng trước khi có cuộc xâm lăng, đã có một số bài viết trên báo chí Trung Quốc trình bày chi tiết về các cuộc tấn công của Việt nam tại biên giơi Trung Quốc.  Muốn có các thí dụ nói về các cuộc tấn công ở biên giới, xem, “SRV’s ‘Frenzied Provocations’ On the Border Reported,” Xinhua, trong FBIS, 4 Tháng Một, 1979, các trang All-13; “Vietnam’s ‘War’ Provocations,” People’s Daily (Nhân Dân Nhật Báo), trong FBIS, 10 Tháng Một, 1979, trang A22; “SRV Personnel Fire Upon Border Commune, School,” Xinhua, trong FBIS, 12 Tháng Một, 1979, trang A11; “Numerous SRV Border Incidents, Provocations Reported,”Xinhua, trong FB1S, 16 Tháng Một, 1979, các trang A7-10. Muốn có các bài viết liên quan đến người tỵ nạn, xem “Chinese Foreign Ministry Lodges Strong Protest Against Forcible Expulsion of Inhabitants of Vietnam into Chinese Territory,” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, các trang A5-6; “The Dirty Business of Exporting Refugees,” People’s Daily, trong FBIS, 18 Tháng Một, 1979, các trang A17-19; “Beijing Denounces SRV’s Callous Policy of Exporting Refugees,” Xinhua Domestic Service (Phần Phát Thanh Quốc Nội của Tân Hoa Xã), 18 Tháng Một, 1979, các trang A16-17. Muốn có bằng chứng hơn nữa, xem “Bản Báo Cáo Với Quốc Hội Nhân Dân Toàn Quốc Kỳ 5 về Công Tác của Chính Phủ”: “Report to the 5th National People’s Congress on the Work of Government,” của Hoa Quốc Phong, công bố vào cuối Tháng Một, có đề cập trực tiếp đến sự hiện diện của Việt Nam tại Căm Bốt, nhưng nối kết điều đó với các vụ đột nhập biên giới và trục xuất cưỡng bách các dân tỵ nạn.  Xem phần bổ túc của  FBIS, 25 Tháng Một, 1979, Xinhua, các trang 1-32.
27. Renmin Ribao, 8 Tháng Mười Một, 1978.
28. Renmin Ribao, 14 Tháng Mười Hai, 1978.
29. “Foreign Ministry Protests SRV Armed Encroachment,” Xinhua, trong FBIS, 18 Tháng Một, 1979, các trang A14-15; “Foreign Ministry Delivers Strong Protest to SRV Embassy,” Xinhua, trong FBIS, 12 Tháng Hai, 1979, các trang A6-7; “Foreign Ministry Protests SRV’s Encroachments,” Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, các trang A2-3.
30. “Chinese Government Statement on Counterattack Against SRV,” Xinhua, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A5-7.
31. Cùng nơi dẫn trên, trang A6.
32. Yee, trang 17. Điều này chỉ đúng nếu phía Trung Quốc đã ra dấu hiệu về các chủ định “thực sự” của họ với phía Việt Nam xuyên qua các đương lối khác.  Tuy nhiên, sự hiểu biết của phía Việt Nam về các ước muốn của Trung Quốc không bác bỏ luận đề của tôi.  Tầm cỡ của sự đòi hỏi và sự hiện diện ngăn chặn của Liên Bang Sô Viết vẫn bóp chết không cho ngoại giao cưỡng hành được thành công.
33. Điều cũng được nêu lên bởi tác giả Richard Baum rằng các dấu hiệu đối nghịch từ Bắc Kinh có thể là vì có các sự bất đồng trong giới lãnh đạo chính trị/quân sự tại Bắc Kinh, nhưng tôi không có các dữ liệu để bác bỏ hay xác nhận giả thuyết đó.
34. Chín ngày sau khi có cuộc xâm lăng của Trung Quốc, họ Đặng vẫn còn lưỡng lự, đã nói với các ký giả Hoa Kỳ rằng “ngay dù có một lý do tốt để liên kết cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt với cuộc hành quân của Triung Quốc tại Việt Nam, Trung Quốc đã không đưa ra sự nối kết như thế”. [Phần nhấn mạnh là của tác giả] Đây là một sự biểu thị cổ điển của sự điều hành khủng hoảng bóp chết các mục đích của ngoại giao cưỡng hành.
35. Xem “UN Security Council Debates Southeast Asian Situation,” trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang A26.
36. “Yang Dezhi Attends Meeting Of Kunming PLA Cadres,” Kunming-Yunnan Provincial Service (Đài Phát Thanh Tỉnh Côn Minh – Vân Nam), trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, trang J2.
37. Yee, trang 17.
38. “Cốt yếu, cơ bản: Essential” đã phải được định nghĩa bởi chính phía Trung Quốc xuyên qua việc đưa ra dấu hiệu của họ cho Việt Nam. Sự thiếu vắng, không phát biểu một cách chính xác những gì họ xem là “cốt yếu”, một nguyên tắc của sự điều hành khủng hoảng, đã là một trong các nguyên do cho sự thất bại của họ trong việc cưỡng hành Việt Nam.
39. Dĩ nhiên, với tình trạng kinh tế bấp bênh của chính Trung Quốc, có lẽ họ chỉ cung cấp được  rất ít cho Việt Nam những gì mà Việt Nam chưa sẵn nhận được từ Liên Bang Sô Viết; và ngay dù Trung Quốc có đề nghị cấp viện trợ đi nữa, Việt Nam sẽ có thể từ chối hầu bảo vệ sự liên minh của họ với người Nga.
40. Yee, trang 17.
41. New York Times, 28 Tháng Hai, 1979.
42. New York Times, 12 Tháng Hai, 1979; cũng xem “New Military Districts Set Up to Strengthen Defenses Against USSR,” Kyoto [?, nhiều phần là Kyodo, hãng thông tấn của Nhật Bản, thay vì Kyoto là kinh đô cũ của Nhật Ban, chú của người dịch], 5 Tháng Hai, 1979, các trang E5-6; và “AFP Highlights General Atmosphere in Beijing, Elsewhere,” AFP, trong FBIS, 22 Tháng Hai, 1979, các trang 13-15. Về các cuộc động viên quân sự trước khi có cuộc xung đột, xem Jencks, “China’s ‘Punitive’ War on Vietnam,” các trang 801-15. Họ Đặng cũng chứng thực các sự thận trọng đã được thực hiện đối với LBSV trong một lời tuyên bố với hãng thông tấn Kyodo: “Chúng tôi đã cứu xét một số bất trắc nào nó trong việc đưa ra quyết định [dùng biện pháp quân sự đối với Việt Nam] và đã thực hiện đầy đủ các sự chuẩn bị”. [Phần nhấn mạnh của tác giả].  Được trích dẫn trong bản tin “Deng Welcomes UN Call for PRC, SRV Pullouts,” Kyoto[?Kyodo], trong FBIS, 26 Tháng Hai, các trang A5-6.
43. “US-PRC leaders Exchange Greetings on Diplomatic Ties,” Xinhua, trong FBIS, 2 Tháng Một, 1979, các trang A2-3.
44. “PRC Liaison Office Holds Reception, Mondale Speaks,” Xinhua, trong FBIS, 3 Tháng Một, 1979. trang A3.
45. “SRV Needs ‘Lessons’.” Xinhua (in Washington, DC), trong FBIS, 1 Tháng Hai, 1979, các trang A8-9.
46. Như một cử chỉ bày tỏ thiện chí, các nhà thương thuyết Trung Quốc đã phá vỡ sự bế tắc trên một số vấn đề tranh chấp tại biên giới kéo dài giữa Trung Quốc và Sô Viết không lâu sau khi cuộc xâm lăng của họ khởi sự, như thể để ra dấu cho Sô Viết rằng họ vẫn mong ước các quan hệ hòa bình.  Phía Sô Viết, về phần mình, đã hạn chế sự tham gia của họ trong cuộc xung đột vào việc cung cấp các đồ tiếp liệu bằng không vận  và tin tức tình báo điện tử từ ngoài khơi cho đồng minh của họ, công tác kể sau được phát đi bởi 11 chiếc tàu của Hạm Đội Sô Viết Thái Bình Dương đang tuần cảnh ngoài khơi Hải Phòng.
47. “Renmin Ribao Urges Expulsion of SRV Intrusion,” Xinhua, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A11-12.
48. New York Times, 20 Tháng Hai, 1979.
49. New York Times, 3 Tháng Ba, 1979. Một sự giải thích khả tín khác về sự dè dặt của Trung Quốc trong việc sử dụng không lực được đưa ra bởi các phân tích viên quân sự.  Họ khẳng định rằng phía Trung Quốc đã lo sợ uy lực của không lực tuy nhỏ hơn nhưng lại tiến bộ về mặt kỹ thuật hơn của Việt Nam và đã không muốn đánh mất một số lượng to lớn các máy bay để đổi lấy lợi thế tối thiểu.
50. Jencks, trang 809.
51. Far Eastern Economic Review, 9 Tháng Ba, 1979, trang 14.
52. Yee, trang 26.
53. Tuy nhiên, như bằng chứng sau cùng của mục đích thực sự của cuộc xâm lăng, báo chí Trung Quốc đã tuyên bố với dân chúng trong nước rằng các lực lượng của CHXHCNVN đã bị buộc phải triệt thoái ra khỏi các vị trí tại Căm Bốt.  Xem, “SRV Forces Forced to Withdraw From Positions in Cambodia,” Xinhua Domestic Service (Phần Phát Thanh Quốc Nội của Tân Hoa Xã), trong FBIS, 27 Tháng Hai, 1979, các trang A17-18.
54. Nayan Chanda, “A Massive Shock for Vietnam,” Far Eastern Economic Review CIII (10 Tháng Tám, 1979).
55. Xem Ellis Joffe, The Chinese Army After Mao (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1987), các trang 149-79.
___
THƯ TỊCH
Burton, Bruce. “Contending Explanations of the 1979 Sino-Vietnamese War.” International Journal 34 (Autumn 1979), các trang 699-722.
Chen, King. “China’s War Against Vietnam, 1979: A Military Analysis.” Journal for East Asian Affairs, vol. III, no. 1, spring/summer 1983, các trang 232-63.
Chinese Aggression: How and Why It Failed. Hanoi: Foreign Languages Press, 1979.
Duiker, William J. China and Vietnam: The Roots of the Conflict. Berkeley, CA: University of California Press, 1986.
George, Alexander, biên tập. Avoiding War: Problems of Crisis Management. Boulder: Westview Press, 1991.
George, Alexander. “Case Studies and Theory Development: The Method of Structured, Focused Comparison.” Trong quyển Diplomacy: New Approaches in History, Theory and Policy, Gordon Lauren, biên tập, New York: Free Press, 1979.
George, Alexander. “Crisis Management: The Interaction of Political and Military Considerations.” Survival 26 (September-October 1984), các trang 223-234.
George, Alexander and William Simons, đồng biên tập. The Limits of Coercive Diplomacy. Boulder: Westview Press, 1994.
George, Alexander. Propaganda Analysis: A Study of lnferences Made from Nazi Propaganda in World WarII.  Evanston, IL: Row, Peterson and Company, 1959.
Gilks, Anne. The Breakdown of the Sino-Vietnamese Alliance, 1970-1979. Berkeley, CA: University of California Press, 1992. Gurtov, Melvin. “China Invades Vietnam.” Contemporary China, vol. 3, no. 4, winter 1979.
Holsti, Ole. Crisis, Escalation, War. Montreal: McGill-Queen’s University Press, 1972.
Hood, Steven J. Dragons Entangled: Indochina and the China-Vietnamese War. Armonk, NY: M. E. Sharpe, 1992.
Jencks, Harlan. “China’s ‘Punitive’ War on Vietnam: A Military Assessment.” Asian Survey, vol. XIX, no. 8, August 1979, các trang 801-15.
Joffe, Ellis. The Chinese Army After Mao. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1987.
Leifer, Michael. “Post-Mortem on the Third Indo-China War.” The World Today, June 1979.
Londer, Rear Admiral James B., and A. James Gregor. “The Chinese Communist Air Force in the ‘Punitive War’ Against Vietnam.” Air University Review, vol. XXXII, no. 6, September-October 1981, các trang 67-77.
Manh-Hung, Nguven. “The Sino-Vietnamese Conflict.” Asian Survey, vol. 19, no. 11, November 1979.
The Military Balance 1978-79. London: The International Institute for Strategic Studies, 1978.
The Military Balance 1979-80. London: The International Institute for Strategic Studies, 1979.
Mirsky, Jonathan. “China’s 1979 Invasion of Vietnam: A View From the Infantry.” Royal United Services Institution Journal, June 1981.
Pike, Douglas. “Communist vs. Communist in Southeast Asia.” International Security, vol. 4, no. 1, summer 1979.
Ross, Robert. The Indochina Triangle: China’s Vietnam Policy 1975-79. New York: Columbia University Press, 1988.
Schelling, Thomas. Arms and Influence. New Haven: Yale University Press, 1966.
Schelling, Thomas. Strategy of Conflict. New York: Oxford University Press, 1963.
Simon, Sheldon. “China, Vietnam, and Asia.” Asian Survey, vol. 19, no. 12, December 1979.
Snyder, Glenn, and Paul Diesing. Conflict Among Nations: Bargaining, Decision Making, and System Structure in International Crises. Princeton: Princeton University Press, 1977.
Tretiak, Daniel. “China’s Vietnam War and Its Consequences.” The China Quarterly, no. 80, December 1979, trang 742.
Whiting, Allen. China Crosses the Yalu: The Decision to Enter the Korean War. New York: The Macmillan Company, 1960.
Whiting, Allen. The Chinese Calculus of Deterrence: India and Indochina. Ann Arbor: The University of Michigan Press, 1975.
Whiting, Allen, and Robert Dernberger. China’s Future: Foreign Policy and Economic Development in the Post-Mao China. New York: McGraw-Hill Book Company, 1977.
Yee, Herbert. “The Sino-Vietnamese Border War: China’s Motives, Calculations, and Strategies.” China Report, vol. 16, no. 1, Tháng Một/Tháng Hai 1980, các trang 15-32.
Chinese Newspaper Articles: Các Bài Báo Bằng Hoa ngữ
“AFP Highlights General Atmosphere in Beijing, Elsewhere.” AFP, trong FBIS, 22 Tháng Hai, 1979, các trang E2-3.
“AFP: PRC Inflicts ‘Very Heavy’ Losses on Vietnamese.” AFP, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A2-3.
“AFP: Rejects ‘Immediate’ Intervention.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, các trang A5-6.
“AFP: Troops Recalled From Leave; Deployed at SRV Border.” Agency France Presse [Pháp Tấn Xã], trongFBIS, 22 Tháng Một, 1979, trang A7.
“An Aggression Impossible to Cover Utrang” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, các trang A9–10.
“Beijing Denounces SRV’s Callous Policy of Exporting Refugees.” Xinhua Domestic Service, trong FBIS, 18 Tháng Một, 1979, các trang A16-17.
“Beijing Radio Discusses State of Affairs in Vietnam.” Xinhua, trong FBIS, 3 Tháng Một, 1979, các trang A13-15.
“Chinese Foreign Ministry Lodges Strong Protest Against Forcible Expulsion of Inhabitants of Vietnam Into Chinese Territory.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, các trang A5-6.
“Chinese Government Statement on Counterattack Against SRV: UN Envoy’s Letter.” Xinhua, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A7-8.
“Chinese Government Statement on Counterattack Against SRV.” Xinhua, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A5-7.
“Commentary on Soviet’s Southward Offensive in 1978.” Xinhua, trong FBIS, 3 Tháng Một, 1979, các trang A10-12.
“Deng Interviewed By US Journalists on Border War.” AFP, trong FBIS, 27 Tháng Hai, 1979, các trang A6-7.
“Deng on Cambodia.” Xinhua Domestic Service, trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, trang A3.
“Deng Welcomes UN Call For PRC, SRV Pullouts.” Kyoto [?Kyodo] , trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, trang A5-6.
“Deng Xiaoping Condemns Vietnam’s Aggression Against Cambodia.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, trang A5.
“Deng Xiaoping Interview with American Correspondents.” Xinhua, trong FBIS, 5 Tháng Một, 1979, các trang A1-5.
“Deng Xiaoping Promises ‘Limited’ Counterattack.” AFP, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, trang A4. “Deng Xiaoping, Sihanouk, Speak At Banquet.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979.
“The Dirty Business of Exporting Refugees.” People’s Daily, trong FBIS 18 Tháng Một, 1979, các trang A17-19.
“Foreign Ministry Delivers Strong Protest to SRV Embassy.” Xinhua, trong FBIS, 12 Tháng Hai, 1979, các trang A6-7.
“Foreign Ministry Protests SRV Armed Encroachment.” Xinhua, trong FBIS, 18 Tháng Một, 1979, các trang A14-15.
“Foreign Ministry Protests SRV Interference on Rail Line.” Xinhua, trong FBIS, 19 Tháng Một, 1979, các trang A7-9.
“Further Reportage on Continuing SRV Border Incidents.” Xinhua, trong FBIS, 12 Tháng Hai, 1979, các trang A8-11.
“Geng Biao: Operations to Continue ‘About Another Week’.” AFP, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, các trang A6-7.
Geng Biao, “Report on the Situation on the Indochinese Peninsula.” Zhonggong Yanjiu (Studies on Chinese Communism), vol. 14, no. 10, October 15, 1980, phiên dịch trong JPRS 77,074.
“Geng Biao Says PRC To Limit Action in Space, Time.” Tanjug, trong FBIS, 23 Tháng Hai, 1979, trang A11.
“Government Statement Hits SRV Aggression Against Cambodia.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, trang A28.
“Jiefangjun Bao Highlights Aspects of Border Conflict.” Xinhua Domestic Service, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A13-18.
“Kyodo: PRC Aims to End Military Action in ‘Next Few Days’.” Kyoto [?Kyodo], trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, trang A5.
“Kyodo: PRC Failed to inflict Heavy Damage on the Vietnamese.” Kyoto [?Kyodo], trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A3-4.
“Kyoto Sources Do not Expect PRC Attack on Pro-SRV Rebels.” Kyoto [?Kyodo] News Service, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, trang A29.
“Latest SRV ‘Crimes’ in Border Areas Detailed.” Xinhua, trong FBIS, 6 Tháng Hai, 1979, các trang A12-13.
“Li Xiannian Says PRC ‘Not Necessarily’ Awaiting Negotiations.” AFP, trong FBIS, 1 Tháng Ba, 1979, các trang A3-4.
“Numerous SRV Border Incidents, Provocations Reported (Armed Personnel Invade Guangxi, Yunnan Border Provocations, 13 Tháng Một Incidents, 1-10 Tháng Một Provocations Enumerated, Further SRV Intrusions).”Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Một, 1979, các trang A7-10.
“People’s Daily Articles on Cambodian Situation, Reaction.” People’s Daily, trong FBIS, 19 Tháng Một, 1979, các trang A11-13.
“People’s Daily Commentator on Kremlin’s Asian Strategy.” Xinhua, trong FBIS, 2 Tháng Một, 1979, các trang A11-13.
“People’s Daily Comments on Soviet ‘Friendship Treaties.” Xinhua, trong FBIS, 3 Tháng Một, 1979, các trang A9-10.
“People’s Daily Comments on SRV’s ‘Dangerous Beaten Path’.” People’s Daily, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, các trang A10-11.
“People’s Daily Discusses World Situation on New Year’s Eve.” People’s Daily, trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, các trang A1-2.
“People’s Daily Exposes Soviet Expansion in Southeast Asia.” Xinhua, trong FBIS, 4 Tháng Một, 1979, các trang A5-6.
“People’s Daily Notes Soviet Role in Cambodian Fighting.” Xinhua, trong FBIS, 4 Tháng Một, 1979, trang A6.
“People’s Daily Refutes SRV Claims to Nansha, Xisha Islands.” People’s Daily, trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, các trang A21-22.
“People’s Daily Says Phnom Penh Capture ‘Beginning of War’.” Xinhua, trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, các trang A19-20.
“PLA Deputy Chief of Staff Pledges Support to Kampuchea.” Xinhua, trong FBIS, 18 Tháng Một, 1979, trang A19.
“PRC Considering Aid to Cambodia.” AFP, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, p A22.
“PRC Foreign Ministry Protests SRV’s Encroachments.” Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, các trang A2-3.
“PRC Frontier Guard Killed; SRV Shelling Border Area.” Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, trang A3.
“PRC Government Statement.” Xinhua, trong FBIS, 15 Tháng Một, 1979, các trang A23-24.
“PRC Liaison Office Holds Reception, Mondale Speaks.” Xinhua, trong FBIS, 3 Tháng Một, 1979, trang A3.
“PRC’s Manila Envoy Proposes Peace Talks With SRV.” Kyodo, trong FBIS, 22 Tháng Hai, 1979, các trang A5-6.
“Red Flag on SRV’s National Chauvinism, Regional Hegemonism.” Hongqi, trong FBIS, 4 Tháng Một, 1979, các trang A11-14.
“Renmin Ribao Commentary Vietnamese Aggressors Perfidious Tricks.” Xinhua, trong FBIS, 22 Tháng Hai, 1979, các trang A12-13.
“Renmin Ribao Details Hypocrisy of SRV ‘Political Hooligans’.” Renmin Ribao, trong FBIS, 27 Tháng Hai, 1979, các trang A12-14.
“Renmin Ribao on Domino Theory in Southeast Asia.” Renmin Ribao, trong FBIS, 23 Tháng Hai, 1979, các trang A15-16.
“Renmin Ribao Urges Expulsion of SRV Intrusion.” Xinhua, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A11-12.
“Renmin Ribao Urges SRV to Accept Negotiation.” Xinhua, trong FBIS, 27 Tháng Hai, 1979, các trang A14-15.
“Rules Out Military Intervention.” AFP, trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, các trang A3-4.
“SRV Attacks Along Guangxi Border Recounted.” Xinhua, trong FBIS, 22 Tháng Một, 1979, các trang A6-7.
“SRV Attacks Force PRC Border Inhabitants to Live in Caves.” Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, các trang A4-5.
“SRV Authorities Continue Border Provocations Despite Warnings.” Xinhua, trong FBIS, 14 Tháng Hai, 1979, trang A10.
“SRV Betrayed Cambodian Allies After Expelling US Aggressor.” (Bằng tiêng Việt phát thanh đến Việt Nam.) Trong FBIS, 16 Tháng Một, 1979, các trang A15-16.
“SRV Deportation of Border Inhabitants Seen as War Preparation.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, các trang A6-7.
“SRV Forces Attack PRC Border Troops on 16 Tháng Hai.” Xinhua Domestic Service, trong FBIS, 21 Tháng Hai, 1979, các trang A1-2.
“SRV Forces Forced to Withdraw From Positions in Cambodia.” Xinhua Domestic Service, trong FBIS, 27 Tháng Hai, 1979, các trang A17-18.
“SRV Forces Intrude Into Two PRC Border Provinces.” Xinhua, trong FBIS, 28 Tháng Hai, 1979, các trang A10-11.
“SRV Invaders Kill 22, Wound 20 Since Beginning of Year.” Xinhua, trong FBIS, 15 Tháng Hai, 1979, trang A5.
“SRV Personnel Fire Upon Border Commune, School.” Xinhua, trong FBIS, 12 Tháng Một, 1979, trang A11.
“SRV Provocations Affect Guangxi Agricultural Production.” Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, trang A4.
“SRV Regards Cambodia As Springboard for Further Aggression.” ((Bằng tiêng Việt phát thanh đến Việt Nam.) Trong FBIS, 16 Tháng Một, 1979, các trang A20-21.
“SRV’s ‘Frenzied Provocations’ on Border Reported.” Xinhua, trong FBIS, 5 Tháng Một, 1979, các trang A11-13.
“SRV War Against Cambodia Beginning of Failure.” Xinhua, trong FBIS, 4 Tháng Một, 1979, các trang A14-15.
“State Council Official Comments on PRC Policy Towards SRV.” AFP, 9 Tháng Hai, 1979 trong FBIS, 9 Tháng Hai, 1979, các trang E1-2.
“Steps Leading to Fall of Phnom Perth Detailed.” Xinhua, trong FBIS, 9 Tháng Một, 1979, trang A17.
“UN Security Council Debates Southeast Asian Situation.” Xinhua, trong FBIS, 26 Tháng Hai, 1979, các trang A20-29.
“US-PRC Leaders Exchange Greetings on Diplomatic Ties.” Xinhua, trong FBIS, 2 Tháng Một, 1979, các trang A2-3.
“US State Department Spokesman Cited on Cambodia.” Xinhua, trong FBIS, 5 Tháng Một, 1979, trang A7.
“USSR Veto.” Xinhua, trong FBIS, 16 Tháng Một, 1979, các trang A3-4.
“Vice-Premier Li Xiannian Says SRV Should Heed Warnings.” Xinhua, trong FBIS, 12 Tháng Hai, 1979, trang A7.
“Vietnamese Forces Seize Fishing Boat 8 Tháng Một.” Xinhua Domestic Service, trong FBIS, 10 Tháng Một, 1979, trang A13.
“Vietnamese Kill Four Chinese, Wound Five Others in Border Clash.” Xinhua, trong FBIS, 8 Tháng Hai, 1979, các trang A8-9.
“Vietnamese Turn Down Offer To Negotiate With PRC.” Xinhua, trong FBIS, 23 Tháng Hai, 1979, trang A11.
“Vietnam’s Aggression Against Kampuchea is Part of the Kremlin’s Global Strategy.” Xinhua, trong FBIS, 10 Tháng Một, 1979, các trang A19-21.
“Vietnam’s ‘Political Hoodlums’ Features Denounced.” Beijing Domestic Service, trong FBIS, 14 Tháng Hai, 1979, các trang A11-12.
“Vietnam’s War Provocations.” People’s Daily, trong FBIS, 10 Tháng Một, 1979, trang A22.
“Wanton Aggression Must Be Checked.” People’s Daily, trong FBIS, 8 Tháng Một, 1979, trang A26.
“Xinhua Views SRV Rejection of Mutual Withdrawal Formula.” Xinhua, trong FBIS, 1 Tháng Ba, 1979, các trang A7-9.
“Yang Dezhi Attends Meeting of Kunming PLA Cadres.” Kunming-Yunnan Provincial Service, trong FBIS, 16 Tháng Hai, 1979, trang J2.
~~~
James Mulvenon là ứng viên Tiến Sĩ tại Đại Học University of California, Los Angeles (1995) và là một tham vấn của cơ quan nghiên cứu RAND Corporation.
_____
Nguồn: James Mulvenon, The Limits of Coercive Diplomacy: The 1979 Sino-Vietnamese Border War,Journal of Northeast Asian Studies; Fall 95, Vol. 14 Issue 3, các trang 68-88.

No comments:

Post a Comment