Trích từ báo trang báo Nhật Báo Văn Hoá.
Nguồn: http://www.nhatbaovanhoa.com/a2748/gs-le-xuan-khoa-hoa-giai-voi-nguoi-chet-truoc-hai-cot-tu-cai-tao-chon-o-dau
--------------------------
Gs Lê Xuân Khoa: “Hòa giải với người chết trước"; "Hài cốt tù cải tạo chôn ở đâu?"
19 Tháng Bảy 201511:22 CH(Xem: 33)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ BẨY 18 JULY 2015
Đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm
“Hòa giải với người chết” hay Chương trình tìm mộ Tù cải tạo và Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
Lê Xuân Khoa
(gởi cho Văn Hóa từ California)
Một góc trong Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa trước năm 1975 đã quy hoạch khoảng 125 ha đất (bao gồm mấy quả đồi thấp liên tiếp nhau). Theo giới địa chất, đất cát trộn lẫn sỏi ở vùng xa lộ Biên Hòa gần Tam Hiệp được đánh giá là vùng đất rất quý, khô ráo, nếu dùng trong việc lập nghĩa trang xây mộ thì hài cốt sẽ giữ được lâu). Vào tháng Tư, 2014, trong dịp đưa đoàn Việt kiều về thăm NTBH, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố: "Chúng tôi không đủ kinh phí để tôn tạo, chỉ dọn dẹp phần nào thôi, bây giời đến lượt các anh về làm đi".
Lời mở đầu: Chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là một
dấu mốc lịch sử trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong bản Tuyên bố chung, hai bên
xác nhận “đã cùng có những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm vượt lên quá khứ, khắc phục khác biệt và
thúc đẩy những lợi ích chung hướng tới tương lai.” Cũng trong Tuyên bố chung, một trong những điểm
được hai bên khẳng định là vai trò quan trọng của cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt đối với sự phát triển
quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong thời gian sắp tới, cả hai chính phủ đều sẽ có những hành động
thuyết phục người Mỹ gốc Việt tham gia vào tiến trình phát triển mang tính chiến lược vì lợi ích chung của hai nước. Bài viết này nêu lên bước đầu tiên chính phủ Việt Nam không thể không làm nếu muốn tháo gỡ những trở ngại tâm lý và chính trị đang tồn tại với những lý do chính đáng, không chỉ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà trong tất cả các cộng đồng người Việt Nam trên thế giới.
Tác giả đã quá cao tuổi để có thể bị hiểu là theo đuổi tham vọng chính trị hay kinh doanh, rõ ràng chỉ mong muốn đóng góp một số suy nghĩ cùng với những người thật sự quan tâm đến nguy cơ đất nước bị Bắc thuộc và nhu cầu thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ.(LXK)
Tôi tình cờ được biết người đứng ra làm chương trình tìm mộ và cải táng hài cốt những tù cải tạo
đã chết trong thời gian bị giam cầm, nhưng tôi không biết vấn đề trùng tu Nghĩa trang Quân đội
Biên Hòa do ai nêu ra đầu tiên và vào lúc nào. Dù sao, thời điểm thích hợp nhất để nêu lên cả hai
vấn đề này là sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ bình thường năm 1995. Từ đầu
thập kỷ 1980, chính quyền cộng sản đã nhận ra cộng đồng người Việt tị nạn ở các nước tự do là
“nguồn nội lực của dân tộc” có khả năng đóng góp quan trọng về tiền bạc và trí tuệ rất cần thiết
cho sự phát triển đất nước. Bởi thế các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không ngớt kêu gọi hòa
giải hòa hợp dân tộc (về sau chỉ nói đến “hòa hợp”) và dành nhiều sự dễ dãi cho người Việt hải
ngoại trở về thăm quê hương, làm việc từ thiện, nghiên cứu, giảng dạy, hay đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ thể hiện chính sách hòa giải một chiều có lợi ích cho chế độ, không phải là hòa giải hai chiều dẫn đến đối xử bình đẳng và hợp tác có lợi ích cho đất nước.
Chính sách đối xử kỳ thị rõ rệt nhất, trái ngược với hòa giải thật sự, là trường hợp Nghĩa trang
Quân đội Biên Hòa (NTBH), nơi chôn cất trên 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã
bỏ mình trong cuộc nội chiến vì mâu thuẫn ý thức hệ. Ngay sau khi đất nước thống nhất,
nghĩa trang này được Bộ Quốc phòng giao cho Quân khu 7 quản lý. Bức tượng “Thương Tiếc”
cao 5m khắc họa một quân nhân ngồi tưởng niệm tử sĩ đặt trên bệ ở ngoài cổng nghỉa trang bị hạ
xuống và đem đi mất tích. Nghĩa trang bị thâu hẹp diện tích và rào kín thành cấm địa, dân chúng
không được vào thăm viếng. Một số bia mộ bị quân đội nhân dân dùng làm bia tập bắn. Sau
nhiều năm, hàng ngàn ngôi mộ bị sụp lở, đất đai bỏ hoang cho cây cỏ và dây leo mọc bừa bãi,
cảnh tượngtrông rất thê lương.
Hòa giải với người chết
Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bang giao năm 1995, cộng đồng người Việt ở nước
ngoài chờ đợi một cử chỉ hòa giải thật sự của chính quyền trong nước, ít nhất cũng bằng cách
cho phép thân nhân các tử sĩ được tự do thăm viếng và sửa sang các mộ phần trong NTBH.
Nhưng nghĩa trang này vẫn bị phong tỏa và thân nhân tử sĩ vẫn bị cấm vào thăm. Năm 2003,
nhân dịp phái đoàn ngoại giao do Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cầm đầu sang Mỹ công tác, một
buổi tiếp xúc giữa phái đoàn với một số trí thức người Mỹ gốc Việt thuộc cả hai thế hệ đã diễn ra
tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins , Washington DC, để trao
đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Buổi họp do khoa học gia NASA Trương Hồng Sơn làm
điều hợp viên. Khi những trở ngại cho vấn đề hòa giải được đề cập thì Phạm Đức Trung Kiên,
một trí thức trẻ khi đó là Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) do
Quốc Hội Mỹ thành lập, nêu ý kiến là chuyện hòa giải giữa những người sống vẫn còn quá nhạy
cảm, vậy hãy nên bắt đầu bằng hòa giải với những người đã khuất. Anh Kiên nảy ra ý kiến này vì
chợt nghĩ đến kinh nghiệm bản thân trong chuyến đi Việt Nam công tác mới về. Anh cùng một
người bà con ở Saigon thuê xe đi thăm mộ một người thân ở NTBH. Tới nơi, thấy nghĩa trang bị
rào kín nhưng có một chỗ hổng đủ rộng cho hai người chui vào. Trong lúc đang tìm kiếm vị trí
ngôi mộ thì bỗng nghe tiếng quát tháo của lính canh. Hai người hoảng hốt chui ra và lên xe chạy
mất. Cuộc thảo luận sau đó dẫn đến đề nghị cụ thể của đa số là chính phủ đứng ra trùng tu hay
cho phép tư nhân trùng tu NTBH, hay tối thiểu cũng mở Nghĩa trang cho thân nhân tử sĩ được
vào thăm, sửa sang hay xây cất lại mộ phần. Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cho biết đây là khu
quân sự đang được đặt dưới quyền cai quản của Quân khu 7. Ông ghi nhận đề nghị của anh Kiên
và hứa sẽ đạo đạt nguyện vọng của hội nghị tới các cơ quan có thẩm quyền.
Trên đường về nước sau buổi họp này, ông Nguyễn Đình Bin đã ghé Califorrnia gặp cựu Phó
Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, và ông Kỳ cũng nêu lên vấn đề NTBH với ông Bin. Như
đãt ấy, thiện chí hòa giải của ông Kỳ qua việc xây cất lại tượng đài và làm lễ cầu siêu chung cho
tử sĩ cả hai bên đã không được chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Đề nghị thực tế và khiêm tốn hơn của nhóm trí thức ở Washington DC cũng phải đợi đến năm
2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 1568/QĐ-TTg ngày 27.11.2006
“dân sự hóa” NTBH, mới được chính quyền địa phương giải quyết một cách hạn chế và tùy
tiện. Sau khi Quân khu 7 trao quyền quản lý NTBH cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương,
nghĩa trang này được đổi tên thành “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.
Một nhân viên trong ban quản lý chỉ dẫn đường vào cho một ký giả trong nước bên cạnh là Bảng Quy định
của "Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa" đổi tên thành "Nghĩa trang Nhân dân Bình an" và hạ cấp xuống
thành "nghĩa trang dân sự", quy định cho thân nhân tử sĩ muốn vào xin cải tạo hay thăm viếng lễ lạc.
Đến đây, cần phải nhắc đến sự giúp đỡ thầm lặng nhưng rất quan trọng của cố Thủ tướng Võ
Văn Kiệt. Trong dịp găp ông Kiệt lần đầu tiên vào tháng Ba 2007 để thảo luận khả năng thành
lập một “think tank” độc lập ở Việt Nam với sự hợp tác của một số trí thức ở trong và ngoài
nước, tôi đã nhắc đến đề nghị “hòa giải với người chết” do Phạm Đức Trung Kiên nêu lên
với phái đoàn Nguyễn Đình Bin từ gần bốn năm trước. Tôi nhấn mạnh rằng đề nghị này có được
thi hành thì trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài mới sẵn sàng đóng góp tài năng vào các
dự án phát triển đất nước. Ông Kiệt hoàn toàn tán thành ý kiến của tôi. Ông cũng cho tôi hay là
có một nhóm cựu quân nhân VNCH vừa tìm đến ông xin giúp họ được phép tìm mộ những tù
cải tạo đã chết trong các trại giam để bốc mộ và trao trả hài cốt cho thân nhân đưa về cải táng
ở quê quán hay đưa vào yên nghỉ trong NTBH. Ông đã nhận lời giới thiệu nhóm này với
những địa phương có trại tù cải tạo để có thể thực hiện công tác thuần túy nhân đạo này.
Về vấn đề trùng tu NTBH, ông Kiệt sẽ quan hệ với chính quyền tỉnh Bình Dương để lấy thêm
thông tin và tìm cách giải quyết trong tinh thần hòa giải. Khi thấy tôi lo ngại về mục đích dân sự
hóa NTBH, theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “để phát triển kinh tế, xã
hội tỉnh Bình Dương” thì ông Kiệt quả quyết với tôi là phần đất của nghĩa trang sẽ được
giữ nguyên vẹn.
Tuy nhiên, ông đồng ý khi tôi phát biểu là nếu NTBH không được sửa sang và duy trì như
một di tích lịch sử ở miền Nam thì dự án “think tank” khó có thể được trí thức ở nước ngoài
tham gia như mong đợi. Ông sẽ thu xếp cho tôi đi gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để có thông tin
đầy đủ và xác định những trở ngại cần phải vượt qua. Với những kết quả đã đạt được khi ông còn
sống, tôi có thể khẳng định rằng nhờ có sự can thiệp âm thầm nhưng mạnh mẽ ban đầu của cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà NTBH, ít nhất là diện tích có mộ phần các tử sĩ, đã không bị sử dụng
vào mục đích “phát triển kinh tế, xã hội.” Thật đáng tiếc là ông đã vĩnh viễn ra đi trước khi hai
chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH đạt được mục tiêu mong muốn.
Tìm mộ tù cải tạo hay “Tử sĩ Trở về”
Sau cuộc họp tại Đại học Johns Hopkins năm 2003, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin có
thể đã chuyển đề nghị “hòa giải với người chết” của nhóm trí thức Mỹ gốc Việt đến các cơ quan
có thẩm quyền, nhưng không có kết quả, chắc hẳn đã gặp phải những phản ứng tiêu cực, nhất là
từ hai Bộ Công an và Quốc phòng . Như vậy, cho đến khi có sự can thiệp của cựu Thủ tướng Võ
Văn Kiệt năm 2007, NTBH đã bị bỏ hoang 32 năm cho thiên nhiên tàn phá và đã có những hành
động xúc phạm đến người chết như dùng một số bia mộ làm đích tập bắn, xây cất chuồng bò
trong nghĩa trang, thậm chí có một cầu tiêu đã được xây ngay bên trong Nghĩa Dũng Đài. Bài
này sẽ chỉ nói đến những nỗ lực vận động của tổ chức Vietnamese American Foundation (VAF)
từ 2007, liên quan đến hai chương trình: bốc mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Trước khi trình
bày cuộc vận động và kết quả của mỗi chương trình, cần tìm hiểu sơ lược về tổ chức VAF.
Trên đây có nói đến một nhóm cựu tù cải tạo tìm đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào đầu năm
2007 xin giúp đỡ cho dự án tìm mộ và cải táng hài cốt những người đã chết trong các trại cải tạo.
Đây là nhóm Tổng Hội H.O. ở Houston, Texas, mà chủ tịch là cựu Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành,
cựu tù cải tạo hơn 9 năm trong nhiều trại từ Nam ra Bắc, được thả năm 1984 và sang Mỹ định cư
theo diện H.O. năm 1990. Khi ở trong tù phải chứng kiến những cái chết đau thương của bạn
đồng tù và biết rằng thân xác của họ bị chôn cất qua loa ở trong rừng, thiếu tá Thành đã có lời
nguyện với linh hồn người quá cố là nếu sống sót đến ngày được thả về, ông sẽ làm mọi cách tìm
mộ và giúp thân nhân bốc mộ đưa hài cốt về cải táng ở nghĩa địa gia đình hay quân đội. Phải hơn
20 năm sau Thiếu tá Thành mới có cơ hội thực hiện lời nguyện này. Qua sự vận động của Luật
sư Robin Mitchell với các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đầu năm 2007 ông Thành và
một thành viên ban chấp hành Tổng Hội H.O. đã về nước gặp ông Trần Quang Hoan, Phó Chủ
nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài, sau đó đến gặp cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và
được ông Kiệt nhận can thiệp với Bộ Ngoại giao giúp thực hiện dự án tìm mộ tù cải tạo. Do sự
giới thiệu của ông Kiệt, khi trở về Mỹ, Thiếu tá Thành liên lạc với tôi và mời tôi làm cố vấn cho
dự án được ông đặt tên là “Tử sĩ Trở về” (The Returning Casualty). Từ đó, tôi có dịp góp ý với
ông Thành về kế hoạch vận động cả trong và ngoài nước, vì ngoài sự chấp thuận và hợp tác của
chính phủ Việt Nam, dự án cũng cần có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, quốc hội và cộng đồng
người Việt hải ngoại. Vào lúc đó, Tổng Hội H.O. cũng có thêm sự giúp đỡ của Luật sư Wesley
Coddou về các giấy tờ pháp lý và đối ngoại.
Qua nhiều lần tiếp xúc với các đại diện Sứ quán và lãnh sự Việt Nam ở Hoa Kỳ để giải đáp các
nghi vấn về hoạt động của Tổng Hội H.O., đầu tháng Mười 2007, ông Nguyễn Đạc Thành về
Việt Nam gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình. Sau khi tìm hiểu thêm, ông Bình cho
phép VAF thực hiện chương trình “Tử sĩ Trở về”. Khi ấy tất cả các trại đều đã đóng cửa vì tù cải
tạo đã được thả hết. Những địa điểm đầu tiên ông Thành đi thăm là Đồi Cây Khế ở Yên Bái, sau
đó là Mường Côi, Bản Bò, Khe Nước và Bản Nà, tất cà đều ở tỉnh Sơn La, tìm được tổng cộng
87 ngôi mộ. Riêng Đồi Cây Khế đã có 57 mộ.
Những cuộc tìm mộ sau đó đều tiến hành rất chậm vì có nhiều đia phương không chịu hợp tác
dù đã có lời yêu cầu của Bộ Ngoại Giao hay thư giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Để tránh sự nhạy cảm của các viên chức chính phủ, Tổng Hội H.O. được đổi tên là Vietnamese
American Foundation (VAF) đăng ký chính thức tại tiểu bang Texas dưới qui chế của một tổ
chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nhưng kết quả đối xử của Việt Nam vẫn không khá hơn. Mặc
dù VAF được dân chúng địa phương thông cảm và giúp đỡ, việc tìm kiếm mộ rất khó khăn vì
hầu hết tù cải tạo khi chết đều được chôn ở trong rừng, được các bạn tù đánh dấu vội vã bằng
cách ghi tên người chết trên những mảnh ván hay hòn đá thay cho bia mộ. Những nấm mồ nông
cạn bằng đất nay đã tan vào lòng cây cỏ và những bia mộ tạm thời cũng không còn nữa. Chỉ khi
nào chính quyền địa phương, thực tế là công an, cung cấp bản đồ chôn cất thì mới biết đích xác
vị trí các ngôi mộ. Một số dân lớn tuổi ở địa phương có thiện chí giúp đỡ VAF nhưng trí nhớ
không rõ rệt, vì thế số ngôi mộ tìm được ở những nơi không được chính quyền chỉ dẫn chắc chắn
còn thiếu sót. Điển hình nhất là vụ chính quyền tỉnh Phú Yên, vào tháng 10, 2012 hủy bỏ vào
giờ chót quyết định cho phép VAF bốc mộ tù cải tạo khi phái đoàn VAF đã về tới Saigon với
một đoàn y sĩ tình nguyện để chữa bệnh phát thuốc sức khỏe cho dân nghèo ở Phú Yên, chi phí
rất tốn kém. Sau sự cố này, VAF phải tạm ngưng chương trình “Tử sĩ Trở về”.
Tính đến tháng 10, 2012, đúng 5 năm sau ngày khởi sự tìm mộ ở Yên Bái và Sơn La, VAF đã tìm được 500 mộ tù cải tạo trong đó có 225 bộ hài cốt được trao cho thân nhân đem về quê cải táng. Một số hài cốt không có người nhận được gửi ở chùa hay nhà thờ chờ ngày được phép đưa vào NTBH. Số mộ còn lại chưa tìm được thân nhân, VAF xin bốc mộ đưa hài cốt vào chôn ở NTBH nhưng chính quyền không chấp thuận. Con số 500 mộ đã tìm được chắc chắn là quá ít so với tổng số tù cải tạo bị chết trong các trại. Chính phủ Việt Nam còn giữ kín các con số liên quan đến các trại tù cải tạo, nhưng ngày 29 tháng Tư, 2001, báo Orange Countty Register công bố kết quả nghiên cứu tài liệu về các trại tù cải tạo và phỏng vấn các nhân chứng, cho thấy có khoảng 1 triệu người bị bắt giam không được xét xử, 165 nghìn người chết trong thời gian bị giam giữ, và ít nhất có 150 trại tù cải tạo được dựng lên sau khi Sài gòn thất thủ.
Một sự kiện quan trọng cần được nhắc đến là VAF, nhờ quan hệ của luật sư Wesley Coddou, đã
được Trung tâm Nhận Dạng, Đại học Bắc Texas (Center for Human Identification,
Department of Forensic and Investigative Genetics, University of North Texas Health
Science Center) nhận thử nghiệm miễn phí DNA từ các mẫu hài cốt tù cải tạo và thân nhân của
họ. Việc thử nghiệm DNA đem lại niềm an ủi vô cùng lớn lao cho những gia đình tù cải tạo đã
chết trong tù mà mộ đã mất bia và không có di vật gì bên cạnh hài cốt khiến thân nhân có thể xác
nhận là của người quá cố.
Chuyên gia khảo cổ Julie Martin, người tham gia đoàn VAF về Việt Nam lấy mẫu hài cốt tù
cải tạo tại Làng Đá, Yên Bái, tháng Bảy 2010, đã viết bài tường trình về chuyến đi trong một cuốn sách viết với nhiều tác giả về kinh nghiệm khảo cổ pháp y vừa được xuất bàn (Forensic Archeology: A Global Experience, John Wiley and Sons, Ltd., 2015). Tác giả ghi nhận, ngoài việc giúp thân nhân nhận được hài cốt người chết do thử nghiệm DNA, VAF còn có mục đich “đưa hài cốt tù cải tạo không thân nhân hay không thể nhận dạng vào cải táng trong NTBH, và trùng tu nghĩa trang này thành một nơi tưởng niệm lâu dài dành cho những người đã bỏ mình trong một cuộc chiến chia rẽ đất nước và dân tộc của họ.” Đặc biệt trong chuyến đi này, đại diện gia đình tử sĩ đã quay được một cuốn video về cuộc đào mộ lấy hài cốt tù cải tạo với những hình ảnh rất “sốc” khiến người xem không cầm được xúc động.
Cuốn video này chắc chắn không làm hài lòng các viên chức chính quyền và có lẽ vì thế mà
công tác bốc mộ của VAF ở đồi Cù Lao, Phú Yên, đã bị ngăn chặn khiến cho VAF phải tạm
ngưng chương trình tìm mộ tù cải tạo từ năm 2012.
Trùng tu NTBH và
Vong linh Bất an của Tử sĩ VNCH
Chính phủ CHXHCNVN đã chứng tỏ thiện chí hòa giải với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ trong
chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tich (POW/MIA) nhưng lại không muốn hòa giải với chính
đồng bào của mình còn ở lại miền Nam hoặc đã ra đi tị nạn ở nước ngoài. Tám năm sau khi Việt
Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bình thường, đề nghị “hòa giải với người chết” được trí thức
Mỹ gốc Việt nêu lên trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Nguyễn Đình Bin ở Đại học Johns Hopkins
năm 2003 vẫn không được chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phải mất thêm bốn năm nữa, nhờ sự
giúp đỡ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổ chức VAF mới được phép thực hiện chương trình tìm
mộ tù cải tạo. Đáng chú ý nhất là sau khi ông Thành và LS Coddou lên Washington, DC được
thêm sự ủng hộ của Giám đốc Vụ Châu Á-Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Matthew Palmer
và Thượng Nghị sĩ Jim Webb năm 2009 thì VAF thực hiện thành công vụ bốc mộ ở Làng Đá
năm 2010 với sự hợp tác của cơ quan thử nghiệm DNA tại Houston. Kết quả thử nghiệm DNA
đã giúp một số gia đình tù cải tạo nhận đúng hài cốt của người thân lấy từ những ngôi mộ vô
danh ở trong rừng.
Nhưng có thể sự tham gia bất ngờ của chuyên gia DNA và kết quả thử nghiệm đã khiến cho
VAF lại gặp trở ngại trong nỗ lực tìm và bốc mộ tù cải tạo. Như đã thấy trong trường hợp tỉnh
Phú Yên, chính quyền địa phương không cho phép chuyên gia DNA lấy mẫu hài cốt mà chỉ cho
VAF bốc những ngôi mộ còn bia, nhưng ngay cả việc cho phép hạn chế này cũng bị hủy bỏ vào
giờ chót. VAF phải quyết định (tạm) ngưng chương trình này vì nếu không có thử nghiệm DNA
thì những nấm mộ không có bia sẽ vĩnh viễn bị vô danh, vô thừa nhận. Tại sao chính quyền
không cho thử nghiệm DNA? Phải chăng vì kết quả thử nghiệm khoa học này không chỉ
giúp nhận dạng người chết mà còn có thể biết được nguyên nhân của cái chết?
Cũng như đối với chương trình tìm và bốc mộ tù cải tạo, chính phủ Việt Nam chưa khi nào
chính thức cho phép VAF trùng tu NTBH. Mọi công tác bốc mộ hay xây mộ chỉ được chấp
thuận bằng miệng, trừ một lần VAF nhận được văn thư địa phương cho phép nhưng lại thu hồi
ngay. Đó là trường hợp ngôi mộ tập thể gồm hơn 200 thi hài binh sĩ VNCH còn để trong
nhà quàn của nghĩa trang ngày 30.4.1975 nhưng bị quân đội nhân dân đào hố chôn chung
ở ngoài vòng nghĩa trang. Tháng Ba năm 2011, VAF xin bốc ngôi mộ tập thể này để đưa hài
cốt vào bên trong nghĩa trang. Một tháng sau, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Sở
Ngoại vụ tỉnh Bình Dương mời ông Nguyễn Đạc Thành về nhận văn thư chấp thuận và thảo luận
chi tiết chương trình tổ chức bốc mộ của VAF. Ông Thành được Sở Ngoại vụ trao tận tay văn
thư này, nhưng khi về đến Mỹ thì ông nhận được quyết định thu hồi giấy phép.
Những quyết định bất nhất trên đây cho thấy thế lực địa phương còn mạnh và ý định thật sự của
họ chỉ có thể được hiểu là họ muốn giải tỏa NTBH, vừa xóa sạch di tích của VNCH, vừa trở
nên giàu có hơn vì có thêm đất cho ngoại quốc đầu tư (chủ yếu là Trung Quốc). Thâm ý đó
được thấy rõ trong việc đổi tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thành Nghĩa trang Nhân dân
Bình An.
Thâm ý đó cũng được thấy trong việc chính quyền thúc giục thân nhân tử sĩ đưa hài cốt trong
NTBH về cải táng ở quê nhà; như vậy nghĩa trang quân đội miền Nam sẽ biến thành một nghĩa
trang thuần túy dân sự để có thể giải tỏa dễ dàng. Vì VAF được sự ủng hộ của ông Võ Văn Kiệt
và Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, chính quyền phải trì hoãn kế hoạch giải tỏa NTBH. Sau cái chết
đầy nghi vấn của ông Kiệt năm 2008 (có tin là ông bị Bắc Kinh và tay sai hãm hại) chương trình
trùng tu NTBH của VAF bị ngưng trệ cho tới năm 2012 mới được khởi động lại.
Trong chính quyền có một xu hướng cởi mở theo chủ trương hòa giải của cựu Thủ tướng Võ Văn
Kiệt, phần lớn từ Bộ Ngoại giao, nhưng họ còn phải dè dặt không chỉ vì sự chống đối của phe
bảo thủ mà còn vì một số vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn miền Bắc và Mặt trận Giải
phóng Miền Nam còn có khoảng 300,000 binh sĩ và cán bộ đã bỏ mình trong cuộc chiến
chưa tìm được xác.
Giả thử sau khi thống nhất, “bên thắng cuộc” (mượn từ của Huy Đức) thực hiện
hòa giài hòa hợp dân tộc, không đầy đọa trên dưới một triệu người miền Nam trong các trại tù
khổ sai được gọi là “cải tạo” thì đôi bên thắng và thua đã có thể ngồi lại với nhau cùng giải quyết
những vấn đề quá khứ của mỗi bên. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khả năng đóng góp
tài chính và kỹ thuật, đồng thời có lợi thế vận động các chính phủ và tổ chức tư nhân quốc tế hỗ
trợ cho chương trình MIA của Việt Nam bên cạnh những chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Lãnh đạo Việt Nam hồi đó thiếu tầm nhìn và say men chiến thắng nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đem
lại lợi ích cho đất nước, nhưng bất hạnh hơn nữa là những đợt lãnh đạo kế tiếp lại đua nhau vơ
vét, lệ thuộc kẻ thù phương Bắc và làm hại đất nước về mọi mặt.
Trở lại chuyện NTBH, vì không thật lòng hòa giải mà chỉ vì lợi ích cá nhân và bè phái, nhóm
cầm quyền địa phương bảo thủ và tham nhũng đã sử dụng nhiều xảo thuật để thực hiện âm mưu
“dân sự hoá” NTBH. Mọi sự cho phép thăm viếng, tu sửa nghĩa trang và xây cất lại mộ phần đều
chỉ là những biện pháp tạm bợ nhằm che đậy mục tiêu tối hậu. Sau khi tiếp nhận nghĩa trang từ
Quân khu 7 vào cuối năm 2006, chính quyền tỉnh Bình Dương đổi tên Nghĩa địa Bình An thành
Nghĩa trang Nhân dân Xã Bình Thắng và giao trách nhiệm quản lý khu đất nghĩa trang là 58
ha cho Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Dĩ An. Trong một bài phỏng vấn của tờ báo Sài Gòn
Giải Phóng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết “UBND huyện Dĩ An đang lập dự án
tôn tạo toàn bộ khu đất 58 ha này, trong đó có việc tu sửa, chỉnh trang, xây cất lại khu nghĩa
trang hiện hữu rộng 29 ha. Ngoài nghĩa trang, các phần đất trống còn lại được quy hoạch thành
khu vực trường học và công trình công cộng phục vụ an sinh xã hội.” Như vậy, tên “Nghĩa
trang dân Bình An” được đặt ở cổng nghĩa trang hiện nay là tên chính thức cuối cùng, nghe
thuận tai hơn là tên nghĩa trang của một thôn xã không ai cần biết đến.
Tới đây, tôi không thể không nhắc đến cuộc gặp gỡ với Phó Chủ tịch Bình Dương Nguyễn Văn
Hiệp ngày 19 tháng 10, 2007, do sự thu xếp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đây là mấy chi
tiết đáng lưu ý trong cuộc gặp gỡ này:
1. Về diện tích và số ngôi mộ trong NTBH: ông Hiệp cho biết nhiều ngôi mộ đã được thân nhân bốc hài cốt đưa về chôn ở quê quán hay nơi khác nên tổng số mộ còn lại là khoảng 8,000 trên một diện tích là 25 ha. Tôi ngạc nhiên về sự chênh lệch quá lớn so với con số 12,400 mộ và diện tích 56 ha vào cuối năm 2006 mà ông Võ Văn Kiệt cho tôi biết sau khi ông được Bình Dương báo cáo vào cuối tháng Ba 2007. Ông Hiệp giải thích rằng những con số mới cung cấp cho tôi là kết quả cập nhật của lần kiểm tra cuối cùng. Như vậy, so với con số 16,000 ngôi mộ và diện tích 125 ha của NTBH vào ngày 30.4.1975 (dự trù cho 30,000 mộ) thì sự chênh lệch còn lớn nhiều hơn nữa.
2. Về tên của nghĩa trang quân đội được đổi thành nghĩa trang nhân dân, ông Hiệp cho hay là việc này phù hợp với quyết định dân sự hóa nghĩa trang, tức là nghĩa trang này được coi như bất cư một nghĩa trang dân sự nào khác; thân nhân được tự do thăm nom, sửa sang hay bốc hài cốt đi nơi khác. Tôi hỏi nếu dân địa phương có người nhà chết muốn đem chôn trong nghĩa trang này thì UBND có cho phép không, ông Hiệp trả lời vì đây là nghĩa trang nhân dân thì dân thường phải được phép chôn khi đất còn chỗ trống.
3. Tôi nói quyết định này có nghĩa là xóa bỏ vết tích của nghĩa trang tử sĩ miền Nam, trái ngược với lời kêu gọi hòa giải và đoàn kết dân tộc của chính phủ. Tôi thuật lại cho ông Hiệp những điều tôi đã trình bày với ông “Sáu Dân” (Võ Văn Kiệt) và được ông Sáu đồng ý là nghĩa trang tử sĩ miền Nam cần có vị trí riêng biệt, không thể lẫn lộn với một nghĩa trang dân sự. Để thực thi chính sách hòa giải dân tộc, NTBH phải được trùng tu và bảo tồn như một di tích lịch sử chiến tranh giống như nghĩa trang quân đội Đức Quốc Xã ở nước Pháp sau Thế chiến II hay Nghĩa trang Arlington ở thủ đô nước Mỹ sau cuộc nội chiến Nam-Bắc. Ngoài ý nghĩa hòa giải cao đẹp của việc duy trì NTBH, những di sản thời quá khứ, dù vui hay buồn, đều phải được gìn giữ như những giá trị văn hóa hay bài học lịch sử để lại cho đời sau. Tôi cũng chia sẻ với ông Hiệp thông tin về dự án phát triển đất nước, trong đó có Bình Dương, với sự hợp tác của các chuyên gia trong và ngoài nước đang được ông Kiệt hỗ trợ. Tới đây thì vị phó Chủ tịch Bình Dương yêu cầu tôi nên đạo đạt những ý kiến này lên lãnh đạo trung ương vì chính quyền tỉnh chỉ có thể tuân hành chỉ thị của trung ương chứ không thể thay đổi được.
Khi nghe tôi thuật lại kết quả cuộc gặp gỡ ở Bình Dương, ông Kiệt xác nhận việc này không thể do chính quyền địa phương quyết định. Ông sẽ phải làm việc với trung ương nhưng cần có thời gian vì ưu tiên lúc này là tranh thủ sự chấp thuận dự án thành lập “think tank”. Do thái độ quyết liệt của ông, trung ương rốt cuộc phải đồng ý cho ra đời “Viện Nghiên cứu Phát triển”, tức IDS (Institute of Development Studies) với điều kiện phải do người trong nước thành lập và chỉ có người trong nước được tham gia. Dù sao đây cũng là một bước đầu thắng lợi của ông Kiệt và trí thức cấp tiến ở trong nước. Không may chỉ nửa năm sau ông Kiệt đã vĩnh biệt cõi trần. IDS bị chính quyền gây khó khăn nên tuyên bố tự giải tán để phản đối chính phủ. Chương trình trùng tu NTBH từ đó cũng không thể tiến hành.
Bước đột phá 2012 và những Thử thách mới
Sau vụ Bình Dương thu hồi văn thư cho phép VAF bốc ngôi mộ tập thể như đã nói ở trên, BNG Hoa Kỳ qua Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân và BNG Việt Nam qua Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, tập trung vào dự án trùng tu NTBH. Nhờ tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ và các nỗ lực vận động của VAF ở Hoa Kỳ, BNG Việt Nam đã làm được một bước đột phá ngoạn mục năm 2012.
Ngày 15 tháng Mười 2012, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn bay qua Houston họp với Ban Chấp hành VAF thảo luận kế hoạch trùng tu NTBH và tuyên bố chấp thuận toàn bộ chương trình của VAF. Sau đó, chính quyền Bình Dương cũng đồng ý hợp tác, cho dọn dẹp sạch sẽ nghĩa trang, tráng nhựa một số đường đi, sửa sang một số ngôi mộ, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài và xây bàn thờ bằng đá đen trước Đài Tưởng Niệm. Tất cả những công tác tu sửa này được tập trung vào một khu chính của nghĩa trang, nhưng còn nhiều khu khác bị bỏ hoang, tàn tạ, chờ ngày VAF được phép thực hiện chương trình trùng tu. Ngày 1 tháng Ba 2013, Thứ trưởng Sơn cùng Chủ tịch VAF đến thăm nghĩa trang và thắp hương tại bàn thờ Đài Tưởng Niệm. Hành động hòa giải này bị chính quyền địa phương bất mãn, do đó đã không chịu cấp giấy phép trung tu nghĩa trang cho VAF theo lời yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Một tuần sau, TLS Lê Thành Ân cũng cùng ông Nguyễn Đạc Thành đến thắp hương và đặt vòng hoa ở Đài Tưởng Niệm. Khi phái đoàn ra về, những dòng chữ tưởng niệm người quá cố trên cả hai vòng hoa đều bị gỡ ra hết. Thật là một hành động thiếu văn hóa ở cấp lãnh đạo địa phương mà một người dân bình thường ở ngoài đời cũng không thể chấp nhận.
Sang tháng Tư, có tin Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị phóng một đường xa lộ xuyên qua NTBH và sẽ có khoảng 1,000 ngôi mộ bị dời đi nơi khác. VAF vội liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam và khi được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn, ông Nguyễn Đạc Thành cho hay đây là dự án đã có từ trước nhưng chưa được chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, việc đóng cọc Giải Phóng Mặt Bằng (GPMB) trong NTBH là có thật và ông đang báo động các nơi và theo dõi sát tình hình. Vài tuần sau, tất cả những cọc GPMB đều được nhổ đi và dự án phóng đường xa lộ qua nghĩa trang không được nhắc đến nữa. Ta có thể hiểu đây là một ngón đòn của chính quyền Bình Dương muốn dằn mặt VAF và các bên ủng hộ chương trình trùng tu NTBH, kể cả Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.
Thái độ bất hợp tác của tỉnh Bình Dương đã làm cho chương trình VAF bị ngưng trệ. VAF phải gia tăng vận động chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Ngày 03 tháng Giêng 2014, Dân biểu Ed Royce viết thư cho Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam yêu cầu thúc đẩy phía Việt Nam ủng hộ vấn đề trùng tu NTBH. Các nhà ngoại giao Việt Nam lại có dịp trở lại giúp VAF. Ngày 18.03.2014, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cùng Trung tướng công an Nguyễn Chí Thành bay qua Houston hối thúc VAF về Việt Nam trùng tu mộ vì mộ sụp lở, hư hại rất nhiều. Ông Sơn nói: “Đây là giai đoạn II, tiếp theo Giai đoạn I trùng tu Nghĩa Dũng Đài, sửa sang đường xá và một số ngôi mộ do tỉnh Bình Dương thực hiện.” Ông nhấn mạnh “Bây giờ nếu các anh không lo cho đồng đội của các anh thì ai lo?”
Ngày 21.5.2014, ông Ân đại diện VAF về Việt Nam gặp chính quyền Bình Dương để khởi sự chương trình xây cất mộ. Chính quyền Bình Dương vẫn không chấp nhận VAF mà chỉ đồng ý cho ông Ân xây mộ trên danh nghĩa cá nhân. Trước tình thế ấy, ông Thành đồng ý để ông Ân đứng tên cá nhân xây mộ vì cần phải xây ngay nhũng ngôi mộ bằng đất sắp mất hết dấu vết. Ngoài ra, càng xây được nhiều mộ đồng đều theo quy hoạch của VAF thì càng thể hiện được biểu tượng của một nghĩa trang quân đội và càng có khả năng duy trì nghĩa trang được lâu dài. Vấn đề VAF chính thức đứng tên không quan trọng bằng kết quả đạt được. Đợt xây mộ đầu tiên được thực hiện trong tháng 5 năm 2014 gồm 214 ngôi mộ, trong đó 200 là do quỹ của VAF và 14 là do tiền của ông Lê Thành Ân và bạn bè đóng góp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Lãnh sự Nguyễn Bá Hùng ở San Francisco muốn thuyết phục VAF “chứng tỏ thiện chí” bằng sự tham gia vận động cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính phủ Việt Nam (theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ngày 23.4.2004). Vì là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị đã đăng ký chính thức ở Hoa Kỳ, VAF không thể tham gia các hoạt động chính trị quốc gia hay quốc tế. Ngoài ra, ông Nguyễn Đạc Thành chỉ có mục đích duy nhất là thực hiện được lời nguyện với các bạn đồng tù xấu số là sẽ giúp thân nhân của họ tìm được mộ và hài cốt nạn nhân để đưa về yên nghỉ ở quê quán hay với các đồng đội trong NTBH. Nghị quyết 36 có mục đích tuyên truyền một chiều đã tự chứng tỏ là sai lầm và lỗi thời, càng không thể áp dụng trong quan hệ với cộng đồng người Việt đã trở thành công dân của một quốc gia dân chủ, tiến bộ. Thẳng thắn mà nói, nếu chính phủ Việt Nam chấp thuận cho VAF thực hiện chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH thì đó là hành động hòa giải đich thực, đương nhiên hóa giải được nhiều nỗi oán hận của cộng đồng người Việt tị nạn và tạo điều kiện thuận lợi cho sự đóng góp quan trọng của những người mong muốn đất nước có một tương lai tốt đẹp.
Vì không thuyết phục được Nguyễn Đạc Thành, các nhà ngoại giao Việt Nam không còn muốn ủng hộ VAF. Chính quyền Bình Dương được dịp gây khó khăn hơn cho VAF trong khi chứng tỏ cho Bộ Ngoại giao Mỹ thấy họ có thiện chí bằng quyết định cho phép thân nhân tử sĩ được tự do thăm viếng và sửa sang mộ theo cách riêng. Những tư nhân muốn đóng góp cho việc xây lại những ngôi mộ đã sụp lở có thể liên lạc với Ban Quản lý Nghĩa trang nhờ thực hiện dùm, nhưng riêng VAF thì không được phép tham gia. Biện pháp này phù hợp với ý đồ dân sự hóa NTBH để nghĩa trang này có thể được giải tỏa vào một thời điểm thuận tiện. Tôi không nghĩ rằng Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đồng tình với ý đồ này, nhưng ông đã thay đổi hẳn thái độ đối với ông Nguyễn Đạc Thành và VAF.
Ngày 27/4/2014, khi hướng dẫn một đoàn “Việt kiều” đi thăm khu trình diễn cho quan khách ở “Nghĩa trang Nhân dân Bình An,” ông Sơn đã lên tiếng chỉ trích đích danh ông Nguyễn Đạc Thành là “không đóng góp một xu nào” cho việc xây cất mộ tử sĩ VNCH. Lời chỉ trích này hoàn toàn sai lầm vì ông Thành chưa bao giờ được Bình Dương cho phép trùng tu NTBH theo dự án mà chính Thứ trưởng Sơn đã chấp thuận trong phiên họp với VAF ở Houston tháng 10, 2012. Ông Sơn cũng đã quên rằng chính quyền Bình Dương đã không chịu cấp giấy phép cho VAF theo lời ông yêu cầu sau “sự cố” 1 tháng Ba 2013 khi ông cùng với ông Thành đến thắp hương trước Đài Tưởng Niệm tử sĩ VNCH, một hành động hòa giải dũng cảm rất đáng ca ngợi.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn chắp tay khấn vái linh hồn tử sĩ trước lư hương Nghĩa Dũng Đài ở Nghĩa trang Quân đội VNCH Biên Hòa ngày 28/4/2014. Ảnh VH
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn:"Bây giờ đã đến lúc các anh về làm đi". Ảnh VH
Trở lại chuyện trùng tu mộ, tính đến tháng Sáu 2015, ngoài việc xây được 2,173 ngôi mộ, ông Ân và ông Thành tiếp tục gây quỹ để thực hiện những đợt xây kế tiếp. Hiện nay hai ông đang làm việc với một số “mạnh thường quân” và đã có người sẵn sàng ủng hộ VAF hoàn tất chương trình xây mộ nhưng không thể tiến hành vì chính quyền Bình Dương không cho phép quay video công tác xây mộ. Đại diện VAF ở trong nước đang thâu thập số mộ còn lại gồm những mộ bằng đất cần được xây bằng xi-măng và những mộ khác cần được chỉnh trang để VAF và những nhà bảo trợ có thể thiết lập ngân sách và thời biểu thực hiện. Cộng đồng người Việt ở Úc đã tự động gây quỹ cho VAF. Ở Hoa Kỳ, cho đến nay, VAF chưa hề tổ chức gây quỹ trong cộng đồng. Nguồn tài trợ duy nhất của VAF là Trung tâm Khuyến khích Tự lập của Ông Bà Phùng Liên Đoàn. Tiến sĩ Đoàn là nhà từ thiện quốc tế người Mỹ gốc Việt, đã được cơ quan Asia Pacific Philanthropy Consortium (APPC), trụ sở tại Phi-luật-tân , mời làm diễn giả tại Hội nghị toàn vùng lần thứ Tư, được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5, 2008.
Để gia tăng hậu thuẫn cho VAF, ngày 31.07.2014, Dân biểu Alan Lowenthal mời thêm 18 đồng viện lưỡng đảng ký tên chung trong văn thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel “yêu cầu quý Bộ đưa vấn đề Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa vào nghị trình của những cuộc đàm phán song phương giữa chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên hệ của quý Bộ để bảo đảm công cuộc trùng tu và bảo trì nghĩa trang, tôn trọng những người đã hi sinh mạng sống của họ.” Bộ Quốc phòng trả lời đồng ý. Bộ Ngoại giao cho hay Bộ vẫn theo dõi tình hình trùng tu NTBH kèm theo bản báo cáo của Tân Tổng Lãnh sự Rena Bitter về việc bà đi thăm NTBH (vẫn là khu trình diễn cho quan khách) ngày 31.07. Theo bản báo cáo này, TLS Bitter nhận thấy có “hàng trăm ngôi mộ được trùng tu bằng tiền đóng góp của tư nhân.” Thông tin này, do Ban Quản lý nghiã trang cung cấp, không đúng sự thật vì hầu hết 214 ngôi mộ do cựu TLS Lê Thành Ân đứng tên trùng tu là do tiền của VAF, như đã nói rõ ở trên. VAF đã phải đính chính sai lầm này với quý vị dân biểu, và ngày 16.10.2014, Chủ tịch VAF Nguyễn Đạc Thành đã gặp ông Charles Sellers, Trợ lý Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Mỹ ở Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề. Sau khi hiểu rõ chương trình trùng tu NTBH của VAF, ông Sellers hứa sẽ “tìm một cách mới” để giúp VAF có được giấy phép của chính quyền Bình Dương. Sau chuyến đi Việt Nam và đến thăm NTBH hồi tháng Năm vừa qua, Dân biểu Alan Lowenthal đã họp với các đại diện VAF để cập nhật tin tức và chuẩn bị những bước hỗ trợ kế tiếp
Cần giải quyết dứt điểm
Hai mươi năm sau chiến tranh, hội chứng Việt Nam hầu như đã tan biến giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam để trở thành quan hệ đối tác toàn diện và thực tế là đang tiến đến hợp tác chiến lược toàn diện. Nhưng hơn 40 năm đã trôi qua, giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn tồn tại một sự cách biệt với những yếu tố rất phức tạp vể mức độ giữa hận thù và hòa giải. Mâu thuẫn ý thức hệ không còn là vấn đề tranh cãi về triết lý hay xung đột về chính trị, vì chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại nhờ có tiến hóa còn chủ nghĩa cộng sản thì đã tự hủy thể và biến thành “tư bản đỏ”. Thực tế ngày nay trên thế giới các quốc gia đều hiện diện ở những mức độ khác nhau giữa hai chế độ chính trị: dân chủ và độc tài.
Ở Việt Nam, cuộc nội chiến vì ý thức hệ đã chia rẽ dân tộc thành hai phe dưới hai nhãn hiệu là “quốc gia” và “cộng sản”, gọi tắt là xung đột quốc-cộng. Sau khi “cộng” thắng “quốc” và thống nhất đất nước thì nhân dân trở nên khốn khổ, rồi khối cộng sản quốc tế tự tan rã, trước hết là mâu thuẫn vì “lợi ích quốc gia” giữa hai lãnh đạo chủ chốt là Liên Xô và Trung Quốc, tiếp theo là các nước Đông Âu theo nhau sụp đổ vì lãnh đạo cộng sản sai lầm dẫn đến cuộc tự sát của Liên Xô năm 1991 và 15 nước chư hầu tự giải phóng thành những “tân quốc gia độc lập” (new independent states – NIS). Quá hoảng hốt vì sợ bị lật đổ, lãnh đạo CSVN vội níu lấy CSTQ vốn là kẻ thù lộ diện từ cuộc chiến tranh biên giới 1979. Nắm được “thời cơ vàng”, Bắc Kinh ép được Hà Nội ký bản mật ước Thành Đô 1991 khiến cho Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải đau đớn thốt lên trước khi mất chức: ”Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu.”
Quả thật, từ năm 1991, Trung Quốc đã dùng quyền lực mềm để lấn chiếm đất và biển của Việt Nam, khai thác tài nguyên, lũng đoạn kinh tế và tiến hành kế hoạch Hán hóa dân tộc Việt. Cho đến gần đây, nhờ phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, kể cả Nhật, Úc và Ấn độ trước tham vọng làm bá chủ và hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam có thêm động lực làm sống dậy tinh thần yêu nước và khát vọng tự do, dân chủ trong các tầng lớp nhân dân. Rốt cuộc là ngay cả các lãnh đạo thân Trung Quốc cũng phải tìm cách “thoát Trung” để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ.
Nhu cầu đoàn kết trong và ngoài nước để xây dựng sức mạnh dân tộc và thế lực quốc tế càng khẩn cấp hơn bao giờ hết. Chính quyền đã làm được bước đột phá cần thiết về đối ngoại, còn bước đột phá về đối nội đã trì hoãn trên 40 năm nay cũng cần phải được thực hiện tức thời. Đó là hành động hòa giải đối với hàng chục triệu nạn nhân của những chính sách tàn ác sai lầm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từ 1945 đến nay. Chỉ riêng con số đồng bào miền Nam bị tước đoạt tài sản và đối xử kỳ thị, những người bị bắt làm tù cải tạo, những gia đình bị đầy đi “kinh tế mới”, những người phải bỏ nước ra đi và những nạn nhân mất tích trong những chuyến vượt biên vượt biển nhiều năm sau 1975, cộng lại cũng phải lên đến chục triệu người.
Đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, vấn đề hoà giải vẫn phải là vấn đề của chính quyền trong nước, nhất là khi các lãnh đạo đã nhận ra nguồn lợi quan trọng về tiền bạc và trí tuệ của ba bốn triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó một nửa là người Mỹ gốc Việt. Ngoài ra phải kể đến khả năng vận động mạnh mẽ của công dân ngoại quốc gốc Việt với chính phủ và quốc hội ở các nước sở tại sẽ đem lại kết quả thuận lợi hay bất lợi cho chính quyền trong nước. Tóm lại, nếu lãnh đạo Việt Nam muốn người Việt ở nước ngoài xóa bỏ hận thù và đóng góp vào các công trình phát triển đất nước thì phải chứng tỏ thiện chí hòa giải trước, thể hiện bằng chính sách đối xử thật sự bình đẳng và vì công lý. Bước khởi đầu dễ nhất và có ý nghĩa nhất là “hòa giải với người chết” tức là chấp thuận toàn bộ hai chương trinh đầy tình người của VAF mà ba năm trước đã được Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chấp thuận nhưng lại bị chính quyền tỉnh Bình Dương bác bỏ (như đã nói ở trên).
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa thực hiện một chuyến đi lịch sử sang Hoa Kỳ, và đây là lần đầu tiên người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam được Tổng thống Mỹ chính thức tiếp kiến tại Bạch Cung, xác nhận tầm nhìn chung và quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Đây là mối quan hệ mà đúng 70 năm trước, đại tiền bối của ông Nguyễn Phú Trọng là Hồ Chí Minh, Chủ tịch cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đã mong muốn mà không đạt được, dù chỉ một phần nhỏ, sau nhiều lần viết thư cho Tổng thống Harry Truman và các giới lãnh đạo Hoa Kỳ.
Một sự kiện có liên quan đến bài viết này là trong cuộc họp báo với TBT Trọng, TT Obama đã ca ngợi sự thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tiếp theo là PTT Joe Biden trong bữa tiệc trưa ở Bộ Ngoại giao cũng nhắc đến tiếng nói có trọng lượng của người Mỹ gốc Việt. Đó là những thông điệp rất rõ ràng cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về nhu cầu hòa giải với hai triệu người Việt đã trở thành công dân Mỹ, càng ngày càng có vị thế vững mạnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học. Khối công dân gốc Việt này chắc chắn có thể đóng góp quan trọng vào công trình phát triển Việt Nam thành một quốc gia giàu, mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á, đúng như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhiều lần ca ngợi khả năng và triển vọng trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.
(Tôi phải cám ơn Tổng Thống Obama đã lưu ý đến kiến nghị của tôi trong email tôi gửi vào Bạch Cung ngày 21 tháng 7, 2013, nhắc đến sự kiện Tổng Thống Bill Clinton đã công khai phát biểu về vai trò của người Mỹ gốc Việt, do thỉnh cầu của tôi, trong chuyến đi Việt Nam của ông tháng 11 năm 2000. TT Obama đã nói đến những đóng góp của người Mỹ gốc Việt trong cuộc họp báo với CT Trương Tấn Sang ngày 25.7, và CT Sang cũng nhìn nhận như vậy.)
Bản Tuyên bố chung ngày 7/7/2015 nói rõ “hai nước ghi nhận thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.” Trong bài diễn văn đọc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày hôm sau, TBT Nguyễn Phú Trọng lại xác nhận: “Đặc biệt còn có một yếu tố hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước là cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ là công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi. Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm (. . .) tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”
Những điểm ghi nhận và phát biểu tích cực trên đây về vai trò của người Mỹ gốc Việt trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước cần được chính phủ Việt Nam chuyển thành hành động trong những ngày sắp tới. Hãy bắt đầu ngay bằng hành động hòa giải với những người lính miền Nam đã nằm xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn và những tù nhân đã bỏ mình trong các trại cải tạo sau khi đất nước thống nhất.
Sau hơn 40 năm bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhất là chỉ nói mà không làm, nay là thời điểm thích hợp nhất để chính quyền trong nước thực hiện một hành động dễ nhất, nhiều ý nghĩa nhất và có lợi ích lâu dài cho dân tộc. Tất nhiên, hành động ấy đòi hỏi những nỗ lực tự vượt của nhiều người ở “bên thắng cuộc”, nhất là không ít quan chức địa phương còn quyến luyến với những lợi lộc cá nhân trước mắt. Lãnh đạo trung ương và nhân dân địa phương cần tạo áp lực thay đổi thái độ của các quan chức ấy.
Cũng trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã sáng tạo 16 chữ vàng mới làm phương châm cho quan hệ Việt-Mỹ: "Gác lại quá khứ, Vượt qua khác biệt, Phát huy tương đồng, Hướng tới tương lai." (Tôi nghĩ nên đổi hai chữ “Gác lại” có hàm ý tạm thời thành “Bỏ lại” để xác nhận thái độ dứt khoát với những sai lầm và đau buồn trong quá khứ của cả hai bên.) Mong rằng phương châm này sẽ được áp dụng thật tình, nhất là từ phía Việt Nam, khác với 16 chữ vàng (dỏm) do Trung Quốc bày ra mà chỉ có Việt Nam phải đơn phương thi hành. Phương châm này cũng áp dụng đúng cho quan hệ bình thường giữa chính quyền trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là khi phe thắng đã gây nên nhiều bất mãn và hận thù của phe thua. Riêng phương châm “Phát huy tương đồng” thì cần phải đạt được đồng thuận là xây dựng một thể chế thật sự “của dân, do dân và vì dân.”
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam nói lên những lời chính đáng trước chính phủ và nhân dân hai nước. Chính phủ Hoa Kỳ và mọi người Việt Nam, trong và ngoài nước, đều trông đợi những hành động cụ thể của chính phủ Việt Nam, tốt nhất là bắt đầu bằng sự chấp thuận dứt khoát và toàn bộ chương trình “hòa giải với người chết” như đề nghị của VAF. Tôi tin rằng lần này các chính quyền địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, sẽ tuân theo chỉ thị của trung ương để hợp tác và giúp đỡ VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Những trở ngại tâm lý và chính trị, nếu còn sót lại, sẽ được giải quyết dễ dàng bằng thiện chí và thông cảm giữa hai bên. Bước đầu quan trọng này sẽ mở đường cho những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới cho quan hệ lâu dài giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và quốc tế.
Ngày 12 tháng 7 vừa qua, Đại sứ Ted Osius và Dân biểu Lowenthal đã có một buổi họp riêng với một nhóm đại diện của VAF, kết quả là Đại sứ Osius đồng ý chỉ định một viên chức trong sứ quán ở Hà Nội làm việc với Liên hội NGO Mỹ gốc Việt, và một đại diện Tổng Lãnh sự quán ở Saigon sẽ vận động chính phủ Việt Nam cấp giấy phép cho VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Trong buổi tiếp xúc với cộng đồng vào buổi chiều cùng ngày, có sự hiện diện của 4 Dân biểu lưỡng đảng là Ed Royce, Rohrabacher (CH), Loretta Sanchez và Alan Lowenthal (DC), ngoài những câu hỏi chú trọng vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, cử tọa cũng đặt câu hỏi về vấn đề NTBH. Đại sứ Osius nhấn mạnh nhiệm vụ của ông là cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và nhận xét là đang có sự cải thiện. Ông nhắc đến chuyện Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ một số nhà tranh đấu cho nhân quyền và đến thăm NTBH trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng Năm vừa qua. Cuộc tiếp xúc của Đại sứ Osius với cộng đồng Mỹ gốc Việt chỉ mấy ngày sau chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng cho thấy Hoa Kỳ đã khởi động phương châm 16 chữ của TBT Trọng, nay mọi người đang chờ đợi những đáp ứng tích cực từ phía Việt Nam.
Hoa Kỳ cần Việt Nam đề đảm bảo quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ tại Biển Đông gồm tự do lưu thông, an ninh của các nước trong khu vực và hòa bình quốc tế.
Việt Nam còn cần Hoa Kỳ hơn để có khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền trong lâu dài và trở thành một quốc gia dân chủ và giàu, mạnh hàng đầu trong khu vực.
Đó chính là tầm nhìn chiến lược sáng suốt không thể thiếu của mỗi bên.
Lãnh đạo CHXHCNVN đang đứng trước một cơ hội cuối cùng để cứu nước thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc, với sức mạnh của toàn dân và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và quốc tế. Cơ hội lịch sứ duy nhất này chỉ đòi hỏi một điều kiện tinh thần: lòng dũng cảm tự vượt lên trên những toan tính vị kỷ để phục vụ lợi ích của quốc gia. Đó cũng là quyết định khôn ngoan nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của những người đang nắm giữ vận mệnh của đất nước.
California, 14 tháng Bảy 2015
(Tác giả Lê Xuân Khoa là nguyên Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center, SEARAC), nguyên Giáo sư Thỉnh giảng trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, Washington, D.C., hiện cư ngụ tại Irvine, Nam California.)
PHỤ LỤC TIN ẢNH CỦA VĂN HÓA:
Sau khi ông Nguyễn Đình Bin đến thăm tướng Kỳ ở tư gia của ông trên Los, tướng Kỳ đến thăm tòa soạn báo
Văn Hóa; nhân dịp này, bổn báo Lý Kiến Trúc thực hiện cuộc phỏng vấn tướng Kỳ về tình hình Việt Nam và
vấn đề "Hòa giải Hòa hợp Dân tộc". Tướng Kỳ đề nghị: "Tôi kỵ mấy chữ "Hòa giải - Hòa hợp" lắm, nó dị
ứng lắm, tôi đề nghị nên dùng chữ "Đoàn kết Dân tộc" là hay hơn, bởi vì không có chế độ nào, chính phủ nào
tại mãi mãi mà chỉ có Dân tộc là trường tồn vĩnh viễn", anh nên nhớ tôi đã từng làm Thủ Tướng, từng đích
thân lái khu trục Skyraider ra oanh tạc ngoài Bắc nhé! May mà hỏa tiễn Nga nó không bắn trúng tôi đấy!
Ảnh VH chụp năm 2004 tại tòa soạn.
Lần thứ hai trước khi tướng Nguyễn Cao Kỳ quyết định về Việt Nam lần đầu tiên (trước Tết ta), ông và các
thân hữu lại đến thăm tòa soạn báo Văn Hóa. Nhân dịp này bổn báo Lý Kiến Trúc thực hiện cuộc phỏng vấn
không phải ở tòa soạn mà đề nghị với ông Phan Ngọc Tiếu khi ấy là giám đốc đài Saigon TV, cuộc phỏng vấn
sẽ trực tiếp trên đài SG TV. Tướng Kỳ đồng ý.
Ông Phan Ngọc Tiếu giới thiệu cuộc phỏng vấn. Có hai nhà báo Hà Tường Cát báo Người Việt, Phan Tấn Hải
báo Việt Báo theo dõi. Nội dung phỏng vấn kéo dài 2 tiếng, đó có một câu hỏi của bổn báo: "Nếu Thiếu tướng
có dịp, có điều kiện về VN (lần đầu tiên), Thiếu tướng cóđến Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa thắp nén nhang
tưởng niệm những người lính đã năm xuống vì lý tưởngTự Do hay không? Tướng Kỳ suy nghĩ khoảng 2
phút, ông nói: "Tôi sẽ đưa vấn đề này với các ông lãnh đạoHà Nội". Sau khi tướng Kỳ trở lại Mỹ, ông có mời
tôi đến tư gia cho xem cuộn phim ông họp với ông PhạmThế Duyệt khi ấy là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam ở Sàigon và các giới chức tỉnh Bình Dương, và hìnhảnh hai ông bà Tướng Kỳ (bà Nicole Kim) đi thắp
từng nén nhang trên từng ngôi mộ trong NTBH. Tướng Kỳnói: "Khi tôi đề cập đến vấn đề NTBH với ông
Duyệt, ông ấy trả lời vấn đề này lớn lắm, ngoài thẩm quyền của tôi, tôi phải trình lên Bộ chính trị". Ảnh
VH chụp năm 2004 tại văn phòng đài Saigon TV.
Sau khi đi Việt Nam về, Tướng Kỳ mời bổn báo Văn Hóa đến nhà riêng cho xem video cuộc gặp gỡ với ông
Phạm Thế Duyệt và các viên chức bộ ngoại giao VN. ẢnhVH chụp đầu năm 2004.
Sau khi đi Việt Nam về, Tướng Kỳ mời bổn báo Văn Hóa đến nhà riêng cho xem video cuộc gặp gỡ với ông
Phạm Thế Duyệt và các viên chức bộ ngoại giao VN. Người dứng góc phải là bà Nicole Kim. ẢnhVH
Phó Tổng thống VNCH Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Tổng thống VNCH Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu
trong một cuộc duyệt binh tại Sàigon. Ảnh Google.
XEM THÊM:
Đại Sứ Mỹ Sẽ Cử 2 Viên Chức Giúp VAF Tìm Mộ Tù, Trùng Tu Nghĩa Trang Biên Hòa
17/07/2015
WESTMINSTER/HANOI (VB) -- Chính phủ Mỹ, qua các viên chức ngoại giao tại VN, sẽ chính thức hỗ trợ cho chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa Trang Biên Hòa hiện do tổ chức VAF của ông Nguyễn Đạc Thành vận động và tiến hành.
Chương trình do VAF xúc tiến từ nhiều năm nay, ngay cả khi được chính phủ trung ương ở Hà Nội chấp thuận vẫn bị chính quyền tỉnh Bình Dương ngăn cản, phá hoại.
Người đích thân quan sát và hỗ trợ chương trình sẽ là Đaị sứ Mỹ tại VN Ted Osius, theo lời cam kết của ông.
Giáo sư Lê Xuân Khoa qua bài viết tựa đề “Đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm: “Hòa giải với người chết” hay Chương trình tìm mộ Tù cải tạo và Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa...” đã kể chi tiết về cuộc vận động VAF qua nhiều năm, kể về những gian nan và ngay cả khi trung ương Hà Nội chấp thuận, VAF vẫn bị cán bộ tỉnh Bình Dương quậy phá.
Bài viết của GS Lê Xuân Khoa đăng ở BBC và Bauxite VN, tuy nhiên bài trên BBC đã bị chia làm 2 kỳ và cắt một số câu chữ nhạy cảm.
Trong bài từ Bauxite VN, giáo sư viết vê lời hứa của Đại sứ Ted Osius như sau, trích:
“Ngày 12 tháng 7 vừa qua, Đại sứ Ted Osius và Dân biểu Lowenthal đã có một buổi họp riêng với một nhóm đại diện của VAF, kết quả là Đại sứ Osius đồng ý chỉ định một viên chức trong sứ quán ở Hà Nội làm việc với Liên hội NGO Mỹ gốc Việt, và một đại diện Tổng Lãnh sự quán ở Saigon sẽ vận động chính phủ Việt Nam cấp giấy phép cho VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Trong buổi tiếp xúc với cộng đồng vào buổi chiều cùng ngày, có sự hiện diện của 4 Dân biểu lưỡng đảng là Ed Royce, Rohrabacher (CH), Loretta Sanchez và Alan Lowenthal (DC), ngoài những câu hỏi chú trọng vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, cử tọa cũng đặt câu hỏi về vấn đề NTBH. Đại sứ Osius nhấn mạnh nhiệm vụ của ông là cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và nhận xét là đang có sự cải thiện. Ông nhắc đến chuyện Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ một số nhà tranh đấu cho nhân quyền và đến thăm NTBH trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng Năm vừa qua. Cuộc tiếp xúc của Đại sứ Osius với cộng đồng Mỹ gốc Việt chỉ mấy ngày sau chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng cho thấy Hoa Kỳ đã khởi động phương châm 16 chữ của TBT Trọng, nay mọi người đang chờ đợi những đáp ứng tích cực từ phía Việt Nam.
Hoa Kỳ cần Việt Nam đề đảm bảo quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ tại Biển Đông gồm tự do lưu thông, an ninh của các nước trong khu vực và hòa bình quốc tế.
Việt Nam còn cần Hoa Kỳ hơn để có khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền trong lâu dài và trở thành một quốc gia dân chủ và giàu, mạnh hàng đầu trong khu vực.
Đó chính là tầm nhìn chiến lược sáng suốt không thể thiếu của mỗi bên.
Lãnh đạo CHXHCNVN đang đứng trước một cơ hội cuối cùng để cứu nước thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc, với sức mạnh của toàn dân và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và quốc tế. Cơ hội lịch sứ duy nhất này chỉ đòi hỏi một điều kiện tinh thần: lòng dũng cảm tự vượt lên trên những toan tính vị kỷ để phục vụ lợi ích của quốc gia. Đó cũng là quyết định khôn ngoan nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của những người đang nắm giữ vận mệnh của đất nước...”(ngưng trích)
Lần này, CSVN có thực tâm hòa giải với tử sĩ VNCH hay không? Hay có phải, mảnh đất Nghĩa Trang Biên Hòa đã hứa bán cho tư bản đỏ Trung Quốc kiểu như Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương?
Đại sứ Ted Osius sẽ bổ nhiệm 2 nhân viên ngoại giao trực tiếp hỗ trợ VAF, nhưng sẽ có hiệu quả tới đâu?
XEM THÊM:
DB Lowenthal kêu gọi trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Tuesday, August 05, 2014
WASHINGTON (NV) - Dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ, Alan Lowenthal, gửi thư kêu gọi Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nêu vấn đề với chính quyền Việt Nam về việc Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi yên nghỉ của hơn 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đang còn bị bỏ hoang. Theo thông cáo báo chí gởi ra ngày 5 Tháng Tám.
Hình ảnh một phần Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, do một blogger chụp năm 2013. (Hình: Nguyễn Lân Thắng)
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khởi công xây dựng Tháng Mười Một, 1967, nhưng sau nhiều năm không được bảo trì từ sau 1975, nghĩa trang nay đang trong tình trạng đổ nát.
Thông cáo báo chí trích lời Dân Biểu Lowenthal: “Tình trạng hiện nay của Nghĩa Trang Biên Hòa là một sự đáng hổ thẹn và trách nhiệm của chính quyền Việt Nam hiện tại là phải đối xử với nơi yên nghỉ cuối cùng của hàng chục ngàn người Việt một cách tôn trọng và đầy đủ nhân phẩm, xứng đáng với sự hy sinh của họ trong chiến trận.”
Vẫn theo thông cáo báo chí, trong một lá thư do Dân Biểu Lowenthal cùng 18 dân biểu Quốc Hội Liên Bang thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng ký tên và gửi đi tuần rồi, Dân Biểu Lowenthal kêu gọi Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry và Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel đặt vấn đề trùng tu và bảo trì Nghĩa Trang Biên Hòa vào nghị trình đàm phán song phương với Hà Nội.
Các dân biểu đồng ký tên vào lá thư của Dân Biểu Alan Lowenthal gồm có dân biểu Xavier Becerra, Julia Brownley, Judy Chu, Gerald Connolly, Jim Costa, Sam Farr, Janice Hahn, Mike Honda, Barbara Lee, Zoe Lofgren, James McGovern, George Miller, Brad Sherman, Dana Rohrabacher, Christopher Smith, Mike Thompson, Henry Waxman, và Frank Wolf.
Dân Biểu Alan Lowenthal đại diện cho các thành phố và khu vực gồm Long Beach, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, Rossmoor, Cypress, Westminster, Garden Grove, Buena Park, Anaheim, Midway City và Stanton trong Địa Hạt 47 của California. (Đ.B.)
Đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm
“Hòa giải với người chết” hay Chương trình tìm mộ Tù cải tạo và Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
Lê Xuân Khoa
(gởi cho Văn Hóa từ California)
Một góc trong Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa trước năm 1975 đã quy hoạch khoảng 125 ha đất (bao gồm mấy quả đồi thấp liên tiếp nhau). Theo giới địa chất, đất cát trộn lẫn sỏi ở vùng xa lộ Biên Hòa gần Tam Hiệp được đánh giá là vùng đất rất quý, khô ráo, nếu dùng trong việc lập nghĩa trang xây mộ thì hài cốt sẽ giữ được lâu). Vào tháng Tư, 2014, trong dịp đưa đoàn Việt kiều về thăm NTBH, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố: "Chúng tôi không đủ kinh phí để tôn tạo, chỉ dọn dẹp phần nào thôi, bây giời đến lượt các anh về làm đi".
Lời mở đầu: Chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là một
dấu mốc lịch sử trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong bản Tuyên bố chung, hai bên
xác nhận “đã cùng có những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm vượt lên quá khứ, khắc phục khác biệt và
thúc đẩy những lợi ích chung hướng tới tương lai.” Cũng trong Tuyên bố chung, một trong những điểm
được hai bên khẳng định là vai trò quan trọng của cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt đối với sự phát triển
quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong thời gian sắp tới, cả hai chính phủ đều sẽ có những hành động
thuyết phục người Mỹ gốc Việt tham gia vào tiến trình phát triển mang tính chiến lược vì lợi ích chung của hai nước. Bài viết này nêu lên bước đầu tiên chính phủ Việt Nam không thể không làm nếu muốn tháo gỡ những trở ngại tâm lý và chính trị đang tồn tại với những lý do chính đáng, không chỉ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà trong tất cả các cộng đồng người Việt Nam trên thế giới.
Tác giả đã quá cao tuổi để có thể bị hiểu là theo đuổi tham vọng chính trị hay kinh doanh, rõ ràng chỉ mong muốn đóng góp một số suy nghĩ cùng với những người thật sự quan tâm đến nguy cơ đất nước bị Bắc thuộc và nhu cầu thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ.(LXK)
Tôi tình cờ được biết người đứng ra làm chương trình tìm mộ và cải táng hài cốt những tù cải tạo
đã chết trong thời gian bị giam cầm, nhưng tôi không biết vấn đề trùng tu Nghĩa trang Quân đội
Biên Hòa do ai nêu ra đầu tiên và vào lúc nào. Dù sao, thời điểm thích hợp nhất để nêu lên cả hai
vấn đề này là sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ bình thường năm 1995. Từ đầu
thập kỷ 1980, chính quyền cộng sản đã nhận ra cộng đồng người Việt tị nạn ở các nước tự do là
“nguồn nội lực của dân tộc” có khả năng đóng góp quan trọng về tiền bạc và trí tuệ rất cần thiết
cho sự phát triển đất nước. Bởi thế các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không ngớt kêu gọi hòa
giải hòa hợp dân tộc (về sau chỉ nói đến “hòa hợp”) và dành nhiều sự dễ dãi cho người Việt hải
ngoại trở về thăm quê hương, làm việc từ thiện, nghiên cứu, giảng dạy, hay đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ thể hiện chính sách hòa giải một chiều có lợi ích cho chế độ, không phải là hòa giải hai chiều dẫn đến đối xử bình đẳng và hợp tác có lợi ích cho đất nước.
Chính sách đối xử kỳ thị rõ rệt nhất, trái ngược với hòa giải thật sự, là trường hợp Nghĩa trang
Quân đội Biên Hòa (NTBH), nơi chôn cất trên 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã
bỏ mình trong cuộc nội chiến vì mâu thuẫn ý thức hệ. Ngay sau khi đất nước thống nhất,
nghĩa trang này được Bộ Quốc phòng giao cho Quân khu 7 quản lý. Bức tượng “Thương Tiếc”
cao 5m khắc họa một quân nhân ngồi tưởng niệm tử sĩ đặt trên bệ ở ngoài cổng nghỉa trang bị hạ
xuống và đem đi mất tích. Nghĩa trang bị thâu hẹp diện tích và rào kín thành cấm địa, dân chúng
không được vào thăm viếng. Một số bia mộ bị quân đội nhân dân dùng làm bia tập bắn. Sau
nhiều năm, hàng ngàn ngôi mộ bị sụp lở, đất đai bỏ hoang cho cây cỏ và dây leo mọc bừa bãi,
cảnh tượngtrông rất thê lương.
Hòa giải với người chết
Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bang giao năm 1995, cộng đồng người Việt ở nước
ngoài chờ đợi một cử chỉ hòa giải thật sự của chính quyền trong nước, ít nhất cũng bằng cách
cho phép thân nhân các tử sĩ được tự do thăm viếng và sửa sang các mộ phần trong NTBH.
Nhưng nghĩa trang này vẫn bị phong tỏa và thân nhân tử sĩ vẫn bị cấm vào thăm. Năm 2003,
nhân dịp phái đoàn ngoại giao do Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cầm đầu sang Mỹ công tác, một
buổi tiếp xúc giữa phái đoàn với một số trí thức người Mỹ gốc Việt thuộc cả hai thế hệ đã diễn ra
tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins , Washington DC, để trao
đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Buổi họp do khoa học gia NASA Trương Hồng Sơn làm
điều hợp viên. Khi những trở ngại cho vấn đề hòa giải được đề cập thì Phạm Đức Trung Kiên,
một trí thức trẻ khi đó là Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) do
Quốc Hội Mỹ thành lập, nêu ý kiến là chuyện hòa giải giữa những người sống vẫn còn quá nhạy
cảm, vậy hãy nên bắt đầu bằng hòa giải với những người đã khuất. Anh Kiên nảy ra ý kiến này vì
chợt nghĩ đến kinh nghiệm bản thân trong chuyến đi Việt Nam công tác mới về. Anh cùng một
người bà con ở Saigon thuê xe đi thăm mộ một người thân ở NTBH. Tới nơi, thấy nghĩa trang bị
rào kín nhưng có một chỗ hổng đủ rộng cho hai người chui vào. Trong lúc đang tìm kiếm vị trí
ngôi mộ thì bỗng nghe tiếng quát tháo của lính canh. Hai người hoảng hốt chui ra và lên xe chạy
mất. Cuộc thảo luận sau đó dẫn đến đề nghị cụ thể của đa số là chính phủ đứng ra trùng tu hay
cho phép tư nhân trùng tu NTBH, hay tối thiểu cũng mở Nghĩa trang cho thân nhân tử sĩ được
vào thăm, sửa sang hay xây cất lại mộ phần. Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cho biết đây là khu
quân sự đang được đặt dưới quyền cai quản của Quân khu 7. Ông ghi nhận đề nghị của anh Kiên
và hứa sẽ đạo đạt nguyện vọng của hội nghị tới các cơ quan có thẩm quyền.
Trên đường về nước sau buổi họp này, ông Nguyễn Đình Bin đã ghé Califorrnia gặp cựu Phó
Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, và ông Kỳ cũng nêu lên vấn đề NTBH với ông Bin. Như
đãt ấy, thiện chí hòa giải của ông Kỳ qua việc xây cất lại tượng đài và làm lễ cầu siêu chung cho
tử sĩ cả hai bên đã không được chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Đề nghị thực tế và khiêm tốn hơn của nhóm trí thức ở Washington DC cũng phải đợi đến năm
2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 1568/QĐ-TTg ngày 27.11.2006
“dân sự hóa” NTBH, mới được chính quyền địa phương giải quyết một cách hạn chế và tùy
tiện. Sau khi Quân khu 7 trao quyền quản lý NTBH cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương,
nghĩa trang này được đổi tên thành “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.
Một nhân viên trong ban quản lý chỉ dẫn đường vào cho một ký giả trong nước bên cạnh là Bảng Quy định
của "Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa" đổi tên thành "Nghĩa trang Nhân dân Bình an" và hạ cấp xuống
thành "nghĩa trang dân sự", quy định cho thân nhân tử sĩ muốn vào xin cải tạo hay thăm viếng lễ lạc.
Đến đây, cần phải nhắc đến sự giúp đỡ thầm lặng nhưng rất quan trọng của cố Thủ tướng Võ
Văn Kiệt. Trong dịp găp ông Kiệt lần đầu tiên vào tháng Ba 2007 để thảo luận khả năng thành
lập một “think tank” độc lập ở Việt Nam với sự hợp tác của một số trí thức ở trong và ngoài
nước, tôi đã nhắc đến đề nghị “hòa giải với người chết” do Phạm Đức Trung Kiên nêu lên
với phái đoàn Nguyễn Đình Bin từ gần bốn năm trước. Tôi nhấn mạnh rằng đề nghị này có được
thi hành thì trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài mới sẵn sàng đóng góp tài năng vào các
dự án phát triển đất nước. Ông Kiệt hoàn toàn tán thành ý kiến của tôi. Ông cũng cho tôi hay là
có một nhóm cựu quân nhân VNCH vừa tìm đến ông xin giúp họ được phép tìm mộ những tù
cải tạo đã chết trong các trại giam để bốc mộ và trao trả hài cốt cho thân nhân đưa về cải táng
ở quê quán hay đưa vào yên nghỉ trong NTBH. Ông đã nhận lời giới thiệu nhóm này với
những địa phương có trại tù cải tạo để có thể thực hiện công tác thuần túy nhân đạo này.
Về vấn đề trùng tu NTBH, ông Kiệt sẽ quan hệ với chính quyền tỉnh Bình Dương để lấy thêm
thông tin và tìm cách giải quyết trong tinh thần hòa giải. Khi thấy tôi lo ngại về mục đích dân sự
hóa NTBH, theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “để phát triển kinh tế, xã
hội tỉnh Bình Dương” thì ông Kiệt quả quyết với tôi là phần đất của nghĩa trang sẽ được
giữ nguyên vẹn.
Tuy nhiên, ông đồng ý khi tôi phát biểu là nếu NTBH không được sửa sang và duy trì như
một di tích lịch sử ở miền Nam thì dự án “think tank” khó có thể được trí thức ở nước ngoài
tham gia như mong đợi. Ông sẽ thu xếp cho tôi đi gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để có thông tin
đầy đủ và xác định những trở ngại cần phải vượt qua. Với những kết quả đã đạt được khi ông còn
sống, tôi có thể khẳng định rằng nhờ có sự can thiệp âm thầm nhưng mạnh mẽ ban đầu của cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà NTBH, ít nhất là diện tích có mộ phần các tử sĩ, đã không bị sử dụng
vào mục đích “phát triển kinh tế, xã hội.” Thật đáng tiếc là ông đã vĩnh viễn ra đi trước khi hai
chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH đạt được mục tiêu mong muốn.
Tìm mộ tù cải tạo hay “Tử sĩ Trở về”
Sau cuộc họp tại Đại học Johns Hopkins năm 2003, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin có
thể đã chuyển đề nghị “hòa giải với người chết” của nhóm trí thức Mỹ gốc Việt đến các cơ quan
có thẩm quyền, nhưng không có kết quả, chắc hẳn đã gặp phải những phản ứng tiêu cực, nhất là
từ hai Bộ Công an và Quốc phòng . Như vậy, cho đến khi có sự can thiệp của cựu Thủ tướng Võ
Văn Kiệt năm 2007, NTBH đã bị bỏ hoang 32 năm cho thiên nhiên tàn phá và đã có những hành
động xúc phạm đến người chết như dùng một số bia mộ làm đích tập bắn, xây cất chuồng bò
trong nghĩa trang, thậm chí có một cầu tiêu đã được xây ngay bên trong Nghĩa Dũng Đài. Bài
này sẽ chỉ nói đến những nỗ lực vận động của tổ chức Vietnamese American Foundation (VAF)
từ 2007, liên quan đến hai chương trình: bốc mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Trước khi trình
bày cuộc vận động và kết quả của mỗi chương trình, cần tìm hiểu sơ lược về tổ chức VAF.
Trên đây có nói đến một nhóm cựu tù cải tạo tìm đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào đầu năm
2007 xin giúp đỡ cho dự án tìm mộ và cải táng hài cốt những người đã chết trong các trại cải tạo.
Đây là nhóm Tổng Hội H.O. ở Houston, Texas, mà chủ tịch là cựu Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành,
cựu tù cải tạo hơn 9 năm trong nhiều trại từ Nam ra Bắc, được thả năm 1984 và sang Mỹ định cư
theo diện H.O. năm 1990. Khi ở trong tù phải chứng kiến những cái chết đau thương của bạn
đồng tù và biết rằng thân xác của họ bị chôn cất qua loa ở trong rừng, thiếu tá Thành đã có lời
nguyện với linh hồn người quá cố là nếu sống sót đến ngày được thả về, ông sẽ làm mọi cách tìm
mộ và giúp thân nhân bốc mộ đưa hài cốt về cải táng ở nghĩa địa gia đình hay quân đội. Phải hơn
20 năm sau Thiếu tá Thành mới có cơ hội thực hiện lời nguyện này. Qua sự vận động của Luật
sư Robin Mitchell với các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đầu năm 2007 ông Thành và
một thành viên ban chấp hành Tổng Hội H.O. đã về nước gặp ông Trần Quang Hoan, Phó Chủ
nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài, sau đó đến gặp cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và
được ông Kiệt nhận can thiệp với Bộ Ngoại giao giúp thực hiện dự án tìm mộ tù cải tạo. Do sự
giới thiệu của ông Kiệt, khi trở về Mỹ, Thiếu tá Thành liên lạc với tôi và mời tôi làm cố vấn cho
dự án được ông đặt tên là “Tử sĩ Trở về” (The Returning Casualty). Từ đó, tôi có dịp góp ý với
ông Thành về kế hoạch vận động cả trong và ngoài nước, vì ngoài sự chấp thuận và hợp tác của
chính phủ Việt Nam, dự án cũng cần có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, quốc hội và cộng đồng
người Việt hải ngoại. Vào lúc đó, Tổng Hội H.O. cũng có thêm sự giúp đỡ của Luật sư Wesley
Coddou về các giấy tờ pháp lý và đối ngoại.
Qua nhiều lần tiếp xúc với các đại diện Sứ quán và lãnh sự Việt Nam ở Hoa Kỳ để giải đáp các
nghi vấn về hoạt động của Tổng Hội H.O., đầu tháng Mười 2007, ông Nguyễn Đạc Thành về
Việt Nam gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình. Sau khi tìm hiểu thêm, ông Bình cho
phép VAF thực hiện chương trình “Tử sĩ Trở về”. Khi ấy tất cả các trại đều đã đóng cửa vì tù cải
tạo đã được thả hết. Những địa điểm đầu tiên ông Thành đi thăm là Đồi Cây Khế ở Yên Bái, sau
đó là Mường Côi, Bản Bò, Khe Nước và Bản Nà, tất cà đều ở tỉnh Sơn La, tìm được tổng cộng
87 ngôi mộ. Riêng Đồi Cây Khế đã có 57 mộ.
Những cuộc tìm mộ sau đó đều tiến hành rất chậm vì có nhiều đia phương không chịu hợp tác
dù đã có lời yêu cầu của Bộ Ngoại Giao hay thư giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Để tránh sự nhạy cảm của các viên chức chính phủ, Tổng Hội H.O. được đổi tên là Vietnamese
American Foundation (VAF) đăng ký chính thức tại tiểu bang Texas dưới qui chế của một tổ
chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nhưng kết quả đối xử của Việt Nam vẫn không khá hơn. Mặc
dù VAF được dân chúng địa phương thông cảm và giúp đỡ, việc tìm kiếm mộ rất khó khăn vì
hầu hết tù cải tạo khi chết đều được chôn ở trong rừng, được các bạn tù đánh dấu vội vã bằng
cách ghi tên người chết trên những mảnh ván hay hòn đá thay cho bia mộ. Những nấm mồ nông
cạn bằng đất nay đã tan vào lòng cây cỏ và những bia mộ tạm thời cũng không còn nữa. Chỉ khi
nào chính quyền địa phương, thực tế là công an, cung cấp bản đồ chôn cất thì mới biết đích xác
vị trí các ngôi mộ. Một số dân lớn tuổi ở địa phương có thiện chí giúp đỡ VAF nhưng trí nhớ
không rõ rệt, vì thế số ngôi mộ tìm được ở những nơi không được chính quyền chỉ dẫn chắc chắn
còn thiếu sót. Điển hình nhất là vụ chính quyền tỉnh Phú Yên, vào tháng 10, 2012 hủy bỏ vào
giờ chót quyết định cho phép VAF bốc mộ tù cải tạo khi phái đoàn VAF đã về tới Saigon với
một đoàn y sĩ tình nguyện để chữa bệnh phát thuốc sức khỏe cho dân nghèo ở Phú Yên, chi phí
rất tốn kém. Sau sự cố này, VAF phải tạm ngưng chương trình “Tử sĩ Trở về”.
Tính đến tháng 10, 2012, đúng 5 năm sau ngày khởi sự tìm mộ ở Yên Bái và Sơn La, VAF đã tìm được 500 mộ tù cải tạo trong đó có 225 bộ hài cốt được trao cho thân nhân đem về quê cải táng. Một số hài cốt không có người nhận được gửi ở chùa hay nhà thờ chờ ngày được phép đưa vào NTBH. Số mộ còn lại chưa tìm được thân nhân, VAF xin bốc mộ đưa hài cốt vào chôn ở NTBH nhưng chính quyền không chấp thuận. Con số 500 mộ đã tìm được chắc chắn là quá ít so với tổng số tù cải tạo bị chết trong các trại. Chính phủ Việt Nam còn giữ kín các con số liên quan đến các trại tù cải tạo, nhưng ngày 29 tháng Tư, 2001, báo Orange Countty Register công bố kết quả nghiên cứu tài liệu về các trại tù cải tạo và phỏng vấn các nhân chứng, cho thấy có khoảng 1 triệu người bị bắt giam không được xét xử, 165 nghìn người chết trong thời gian bị giam giữ, và ít nhất có 150 trại tù cải tạo được dựng lên sau khi Sài gòn thất thủ.
Một sự kiện quan trọng cần được nhắc đến là VAF, nhờ quan hệ của luật sư Wesley Coddou, đã
được Trung tâm Nhận Dạng, Đại học Bắc Texas (Center for Human Identification,
Department of Forensic and Investigative Genetics, University of North Texas Health
Science Center) nhận thử nghiệm miễn phí DNA từ các mẫu hài cốt tù cải tạo và thân nhân của
họ. Việc thử nghiệm DNA đem lại niềm an ủi vô cùng lớn lao cho những gia đình tù cải tạo đã
chết trong tù mà mộ đã mất bia và không có di vật gì bên cạnh hài cốt khiến thân nhân có thể xác
nhận là của người quá cố.
Chuyên gia khảo cổ Julie Martin, người tham gia đoàn VAF về Việt Nam lấy mẫu hài cốt tù
cải tạo tại Làng Đá, Yên Bái, tháng Bảy 2010, đã viết bài tường trình về chuyến đi trong một cuốn sách viết với nhiều tác giả về kinh nghiệm khảo cổ pháp y vừa được xuất bàn (Forensic Archeology: A Global Experience, John Wiley and Sons, Ltd., 2015). Tác giả ghi nhận, ngoài việc giúp thân nhân nhận được hài cốt người chết do thử nghiệm DNA, VAF còn có mục đich “đưa hài cốt tù cải tạo không thân nhân hay không thể nhận dạng vào cải táng trong NTBH, và trùng tu nghĩa trang này thành một nơi tưởng niệm lâu dài dành cho những người đã bỏ mình trong một cuộc chiến chia rẽ đất nước và dân tộc của họ.” Đặc biệt trong chuyến đi này, đại diện gia đình tử sĩ đã quay được một cuốn video về cuộc đào mộ lấy hài cốt tù cải tạo với những hình ảnh rất “sốc” khiến người xem không cầm được xúc động.
Cuốn video này chắc chắn không làm hài lòng các viên chức chính quyền và có lẽ vì thế mà
công tác bốc mộ của VAF ở đồi Cù Lao, Phú Yên, đã bị ngăn chặn khiến cho VAF phải tạm
ngưng chương trình tìm mộ tù cải tạo từ năm 2012.
Trùng tu NTBH và
Vong linh Bất an của Tử sĩ VNCH
Chính phủ CHXHCNVN đã chứng tỏ thiện chí hòa giải với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ trong
chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tich (POW/MIA) nhưng lại không muốn hòa giải với chính
đồng bào của mình còn ở lại miền Nam hoặc đã ra đi tị nạn ở nước ngoài. Tám năm sau khi Việt
Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bình thường, đề nghị “hòa giải với người chết” được trí thức
Mỹ gốc Việt nêu lên trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Nguyễn Đình Bin ở Đại học Johns Hopkins
năm 2003 vẫn không được chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phải mất thêm bốn năm nữa, nhờ sự
giúp đỡ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổ chức VAF mới được phép thực hiện chương trình tìm
mộ tù cải tạo. Đáng chú ý nhất là sau khi ông Thành và LS Coddou lên Washington, DC được
thêm sự ủng hộ của Giám đốc Vụ Châu Á-Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Matthew Palmer
và Thượng Nghị sĩ Jim Webb năm 2009 thì VAF thực hiện thành công vụ bốc mộ ở Làng Đá
năm 2010 với sự hợp tác của cơ quan thử nghiệm DNA tại Houston. Kết quả thử nghiệm DNA
đã giúp một số gia đình tù cải tạo nhận đúng hài cốt của người thân lấy từ những ngôi mộ vô
danh ở trong rừng.
Nhưng có thể sự tham gia bất ngờ của chuyên gia DNA và kết quả thử nghiệm đã khiến cho
VAF lại gặp trở ngại trong nỗ lực tìm và bốc mộ tù cải tạo. Như đã thấy trong trường hợp tỉnh
Phú Yên, chính quyền địa phương không cho phép chuyên gia DNA lấy mẫu hài cốt mà chỉ cho
VAF bốc những ngôi mộ còn bia, nhưng ngay cả việc cho phép hạn chế này cũng bị hủy bỏ vào
giờ chót. VAF phải quyết định (tạm) ngưng chương trình này vì nếu không có thử nghiệm DNA
thì những nấm mộ không có bia sẽ vĩnh viễn bị vô danh, vô thừa nhận. Tại sao chính quyền
không cho thử nghiệm DNA? Phải chăng vì kết quả thử nghiệm khoa học này không chỉ
giúp nhận dạng người chết mà còn có thể biết được nguyên nhân của cái chết?
Cũng như đối với chương trình tìm và bốc mộ tù cải tạo, chính phủ Việt Nam chưa khi nào
chính thức cho phép VAF trùng tu NTBH. Mọi công tác bốc mộ hay xây mộ chỉ được chấp
thuận bằng miệng, trừ một lần VAF nhận được văn thư địa phương cho phép nhưng lại thu hồi
ngay. Đó là trường hợp ngôi mộ tập thể gồm hơn 200 thi hài binh sĩ VNCH còn để trong
nhà quàn của nghĩa trang ngày 30.4.1975 nhưng bị quân đội nhân dân đào hố chôn chung
ở ngoài vòng nghĩa trang. Tháng Ba năm 2011, VAF xin bốc ngôi mộ tập thể này để đưa hài
cốt vào bên trong nghĩa trang. Một tháng sau, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Sở
Ngoại vụ tỉnh Bình Dương mời ông Nguyễn Đạc Thành về nhận văn thư chấp thuận và thảo luận
chi tiết chương trình tổ chức bốc mộ của VAF. Ông Thành được Sở Ngoại vụ trao tận tay văn
thư này, nhưng khi về đến Mỹ thì ông nhận được quyết định thu hồi giấy phép.
Những quyết định bất nhất trên đây cho thấy thế lực địa phương còn mạnh và ý định thật sự của
họ chỉ có thể được hiểu là họ muốn giải tỏa NTBH, vừa xóa sạch di tích của VNCH, vừa trở
nên giàu có hơn vì có thêm đất cho ngoại quốc đầu tư (chủ yếu là Trung Quốc). Thâm ý đó
được thấy rõ trong việc đổi tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thành Nghĩa trang Nhân dân
Bình An.
Thâm ý đó cũng được thấy trong việc chính quyền thúc giục thân nhân tử sĩ đưa hài cốt trong
NTBH về cải táng ở quê nhà; như vậy nghĩa trang quân đội miền Nam sẽ biến thành một nghĩa
trang thuần túy dân sự để có thể giải tỏa dễ dàng. Vì VAF được sự ủng hộ của ông Võ Văn Kiệt
và Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, chính quyền phải trì hoãn kế hoạch giải tỏa NTBH. Sau cái chết
đầy nghi vấn của ông Kiệt năm 2008 (có tin là ông bị Bắc Kinh và tay sai hãm hại) chương trình
trùng tu NTBH của VAF bị ngưng trệ cho tới năm 2012 mới được khởi động lại.
Trong chính quyền có một xu hướng cởi mở theo chủ trương hòa giải của cựu Thủ tướng Võ Văn
Kiệt, phần lớn từ Bộ Ngoại giao, nhưng họ còn phải dè dặt không chỉ vì sự chống đối của phe
bảo thủ mà còn vì một số vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn miền Bắc và Mặt trận Giải
phóng Miền Nam còn có khoảng 300,000 binh sĩ và cán bộ đã bỏ mình trong cuộc chiến
chưa tìm được xác.
Giả thử sau khi thống nhất, “bên thắng cuộc” (mượn từ của Huy Đức) thực hiện
hòa giài hòa hợp dân tộc, không đầy đọa trên dưới một triệu người miền Nam trong các trại tù
khổ sai được gọi là “cải tạo” thì đôi bên thắng và thua đã có thể ngồi lại với nhau cùng giải quyết
những vấn đề quá khứ của mỗi bên. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khả năng đóng góp
tài chính và kỹ thuật, đồng thời có lợi thế vận động các chính phủ và tổ chức tư nhân quốc tế hỗ
trợ cho chương trình MIA của Việt Nam bên cạnh những chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Lãnh đạo Việt Nam hồi đó thiếu tầm nhìn và say men chiến thắng nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đem
lại lợi ích cho đất nước, nhưng bất hạnh hơn nữa là những đợt lãnh đạo kế tiếp lại đua nhau vơ
vét, lệ thuộc kẻ thù phương Bắc và làm hại đất nước về mọi mặt.
Trở lại chuyện NTBH, vì không thật lòng hòa giải mà chỉ vì lợi ích cá nhân và bè phái, nhóm
cầm quyền địa phương bảo thủ và tham nhũng đã sử dụng nhiều xảo thuật để thực hiện âm mưu
“dân sự hoá” NTBH. Mọi sự cho phép thăm viếng, tu sửa nghĩa trang và xây cất lại mộ phần đều
chỉ là những biện pháp tạm bợ nhằm che đậy mục tiêu tối hậu. Sau khi tiếp nhận nghĩa trang từ
Quân khu 7 vào cuối năm 2006, chính quyền tỉnh Bình Dương đổi tên Nghĩa địa Bình An thành
Nghĩa trang Nhân dân Xã Bình Thắng và giao trách nhiệm quản lý khu đất nghĩa trang là 58
ha cho Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Dĩ An. Trong một bài phỏng vấn của tờ báo Sài Gòn
Giải Phóng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết “UBND huyện Dĩ An đang lập dự án
tôn tạo toàn bộ khu đất 58 ha này, trong đó có việc tu sửa, chỉnh trang, xây cất lại khu nghĩa
trang hiện hữu rộng 29 ha. Ngoài nghĩa trang, các phần đất trống còn lại được quy hoạch thành
khu vực trường học và công trình công cộng phục vụ an sinh xã hội.” Như vậy, tên “Nghĩa
trang dân Bình An” được đặt ở cổng nghĩa trang hiện nay là tên chính thức cuối cùng, nghe
thuận tai hơn là tên nghĩa trang của một thôn xã không ai cần biết đến.
Tới đây, tôi không thể không nhắc đến cuộc gặp gỡ với Phó Chủ tịch Bình Dương Nguyễn Văn
Hiệp ngày 19 tháng 10, 2007, do sự thu xếp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đây là mấy chi
tiết đáng lưu ý trong cuộc gặp gỡ này:
1. Về diện tích và số ngôi mộ trong NTBH: ông Hiệp cho biết nhiều ngôi mộ đã được thân nhân bốc hài cốt đưa về chôn ở quê quán hay nơi khác nên tổng số mộ còn lại là khoảng 8,000 trên một diện tích là 25 ha. Tôi ngạc nhiên về sự chênh lệch quá lớn so với con số 12,400 mộ và diện tích 56 ha vào cuối năm 2006 mà ông Võ Văn Kiệt cho tôi biết sau khi ông được Bình Dương báo cáo vào cuối tháng Ba 2007. Ông Hiệp giải thích rằng những con số mới cung cấp cho tôi là kết quả cập nhật của lần kiểm tra cuối cùng. Như vậy, so với con số 16,000 ngôi mộ và diện tích 125 ha của NTBH vào ngày 30.4.1975 (dự trù cho 30,000 mộ) thì sự chênh lệch còn lớn nhiều hơn nữa.
2. Về tên của nghĩa trang quân đội được đổi thành nghĩa trang nhân dân, ông Hiệp cho hay là việc này phù hợp với quyết định dân sự hóa nghĩa trang, tức là nghĩa trang này được coi như bất cư một nghĩa trang dân sự nào khác; thân nhân được tự do thăm nom, sửa sang hay bốc hài cốt đi nơi khác. Tôi hỏi nếu dân địa phương có người nhà chết muốn đem chôn trong nghĩa trang này thì UBND có cho phép không, ông Hiệp trả lời vì đây là nghĩa trang nhân dân thì dân thường phải được phép chôn khi đất còn chỗ trống.
3. Tôi nói quyết định này có nghĩa là xóa bỏ vết tích của nghĩa trang tử sĩ miền Nam, trái ngược với lời kêu gọi hòa giải và đoàn kết dân tộc của chính phủ. Tôi thuật lại cho ông Hiệp những điều tôi đã trình bày với ông “Sáu Dân” (Võ Văn Kiệt) và được ông Sáu đồng ý là nghĩa trang tử sĩ miền Nam cần có vị trí riêng biệt, không thể lẫn lộn với một nghĩa trang dân sự. Để thực thi chính sách hòa giải dân tộc, NTBH phải được trùng tu và bảo tồn như một di tích lịch sử chiến tranh giống như nghĩa trang quân đội Đức Quốc Xã ở nước Pháp sau Thế chiến II hay Nghĩa trang Arlington ở thủ đô nước Mỹ sau cuộc nội chiến Nam-Bắc. Ngoài ý nghĩa hòa giải cao đẹp của việc duy trì NTBH, những di sản thời quá khứ, dù vui hay buồn, đều phải được gìn giữ như những giá trị văn hóa hay bài học lịch sử để lại cho đời sau. Tôi cũng chia sẻ với ông Hiệp thông tin về dự án phát triển đất nước, trong đó có Bình Dương, với sự hợp tác của các chuyên gia trong và ngoài nước đang được ông Kiệt hỗ trợ. Tới đây thì vị phó Chủ tịch Bình Dương yêu cầu tôi nên đạo đạt những ý kiến này lên lãnh đạo trung ương vì chính quyền tỉnh chỉ có thể tuân hành chỉ thị của trung ương chứ không thể thay đổi được.
Khi nghe tôi thuật lại kết quả cuộc gặp gỡ ở Bình Dương, ông Kiệt xác nhận việc này không thể do chính quyền địa phương quyết định. Ông sẽ phải làm việc với trung ương nhưng cần có thời gian vì ưu tiên lúc này là tranh thủ sự chấp thuận dự án thành lập “think tank”. Do thái độ quyết liệt của ông, trung ương rốt cuộc phải đồng ý cho ra đời “Viện Nghiên cứu Phát triển”, tức IDS (Institute of Development Studies) với điều kiện phải do người trong nước thành lập và chỉ có người trong nước được tham gia. Dù sao đây cũng là một bước đầu thắng lợi của ông Kiệt và trí thức cấp tiến ở trong nước. Không may chỉ nửa năm sau ông Kiệt đã vĩnh biệt cõi trần. IDS bị chính quyền gây khó khăn nên tuyên bố tự giải tán để phản đối chính phủ. Chương trình trùng tu NTBH từ đó cũng không thể tiến hành.
Bước đột phá 2012 và những Thử thách mới
Sau vụ Bình Dương thu hồi văn thư cho phép VAF bốc ngôi mộ tập thể như đã nói ở trên, BNG Hoa Kỳ qua Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân và BNG Việt Nam qua Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, tập trung vào dự án trùng tu NTBH. Nhờ tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ và các nỗ lực vận động của VAF ở Hoa Kỳ, BNG Việt Nam đã làm được một bước đột phá ngoạn mục năm 2012.
Ngày 15 tháng Mười 2012, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn bay qua Houston họp với Ban Chấp hành VAF thảo luận kế hoạch trùng tu NTBH và tuyên bố chấp thuận toàn bộ chương trình của VAF. Sau đó, chính quyền Bình Dương cũng đồng ý hợp tác, cho dọn dẹp sạch sẽ nghĩa trang, tráng nhựa một số đường đi, sửa sang một số ngôi mộ, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài và xây bàn thờ bằng đá đen trước Đài Tưởng Niệm. Tất cả những công tác tu sửa này được tập trung vào một khu chính của nghĩa trang, nhưng còn nhiều khu khác bị bỏ hoang, tàn tạ, chờ ngày VAF được phép thực hiện chương trình trùng tu. Ngày 1 tháng Ba 2013, Thứ trưởng Sơn cùng Chủ tịch VAF đến thăm nghĩa trang và thắp hương tại bàn thờ Đài Tưởng Niệm. Hành động hòa giải này bị chính quyền địa phương bất mãn, do đó đã không chịu cấp giấy phép trung tu nghĩa trang cho VAF theo lời yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Một tuần sau, TLS Lê Thành Ân cũng cùng ông Nguyễn Đạc Thành đến thắp hương và đặt vòng hoa ở Đài Tưởng Niệm. Khi phái đoàn ra về, những dòng chữ tưởng niệm người quá cố trên cả hai vòng hoa đều bị gỡ ra hết. Thật là một hành động thiếu văn hóa ở cấp lãnh đạo địa phương mà một người dân bình thường ở ngoài đời cũng không thể chấp nhận.
Sang tháng Tư, có tin Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị phóng một đường xa lộ xuyên qua NTBH và sẽ có khoảng 1,000 ngôi mộ bị dời đi nơi khác. VAF vội liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam và khi được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn, ông Nguyễn Đạc Thành cho hay đây là dự án đã có từ trước nhưng chưa được chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, việc đóng cọc Giải Phóng Mặt Bằng (GPMB) trong NTBH là có thật và ông đang báo động các nơi và theo dõi sát tình hình. Vài tuần sau, tất cả những cọc GPMB đều được nhổ đi và dự án phóng đường xa lộ qua nghĩa trang không được nhắc đến nữa. Ta có thể hiểu đây là một ngón đòn của chính quyền Bình Dương muốn dằn mặt VAF và các bên ủng hộ chương trình trùng tu NTBH, kể cả Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.
Thái độ bất hợp tác của tỉnh Bình Dương đã làm cho chương trình VAF bị ngưng trệ. VAF phải gia tăng vận động chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Ngày 03 tháng Giêng 2014, Dân biểu Ed Royce viết thư cho Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam yêu cầu thúc đẩy phía Việt Nam ủng hộ vấn đề trùng tu NTBH. Các nhà ngoại giao Việt Nam lại có dịp trở lại giúp VAF. Ngày 18.03.2014, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cùng Trung tướng công an Nguyễn Chí Thành bay qua Houston hối thúc VAF về Việt Nam trùng tu mộ vì mộ sụp lở, hư hại rất nhiều. Ông Sơn nói: “Đây là giai đoạn II, tiếp theo Giai đoạn I trùng tu Nghĩa Dũng Đài, sửa sang đường xá và một số ngôi mộ do tỉnh Bình Dương thực hiện.” Ông nhấn mạnh “Bây giờ nếu các anh không lo cho đồng đội của các anh thì ai lo?”
Ngày 21.5.2014, ông Ân đại diện VAF về Việt Nam gặp chính quyền Bình Dương để khởi sự chương trình xây cất mộ. Chính quyền Bình Dương vẫn không chấp nhận VAF mà chỉ đồng ý cho ông Ân xây mộ trên danh nghĩa cá nhân. Trước tình thế ấy, ông Thành đồng ý để ông Ân đứng tên cá nhân xây mộ vì cần phải xây ngay nhũng ngôi mộ bằng đất sắp mất hết dấu vết. Ngoài ra, càng xây được nhiều mộ đồng đều theo quy hoạch của VAF thì càng thể hiện được biểu tượng của một nghĩa trang quân đội và càng có khả năng duy trì nghĩa trang được lâu dài. Vấn đề VAF chính thức đứng tên không quan trọng bằng kết quả đạt được. Đợt xây mộ đầu tiên được thực hiện trong tháng 5 năm 2014 gồm 214 ngôi mộ, trong đó 200 là do quỹ của VAF và 14 là do tiền của ông Lê Thành Ân và bạn bè đóng góp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Lãnh sự Nguyễn Bá Hùng ở San Francisco muốn thuyết phục VAF “chứng tỏ thiện chí” bằng sự tham gia vận động cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính phủ Việt Nam (theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ngày 23.4.2004). Vì là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị đã đăng ký chính thức ở Hoa Kỳ, VAF không thể tham gia các hoạt động chính trị quốc gia hay quốc tế. Ngoài ra, ông Nguyễn Đạc Thành chỉ có mục đích duy nhất là thực hiện được lời nguyện với các bạn đồng tù xấu số là sẽ giúp thân nhân của họ tìm được mộ và hài cốt nạn nhân để đưa về yên nghỉ ở quê quán hay với các đồng đội trong NTBH. Nghị quyết 36 có mục đích tuyên truyền một chiều đã tự chứng tỏ là sai lầm và lỗi thời, càng không thể áp dụng trong quan hệ với cộng đồng người Việt đã trở thành công dân của một quốc gia dân chủ, tiến bộ. Thẳng thắn mà nói, nếu chính phủ Việt Nam chấp thuận cho VAF thực hiện chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH thì đó là hành động hòa giải đich thực, đương nhiên hóa giải được nhiều nỗi oán hận của cộng đồng người Việt tị nạn và tạo điều kiện thuận lợi cho sự đóng góp quan trọng của những người mong muốn đất nước có một tương lai tốt đẹp.
Vì không thuyết phục được Nguyễn Đạc Thành, các nhà ngoại giao Việt Nam không còn muốn ủng hộ VAF. Chính quyền Bình Dương được dịp gây khó khăn hơn cho VAF trong khi chứng tỏ cho Bộ Ngoại giao Mỹ thấy họ có thiện chí bằng quyết định cho phép thân nhân tử sĩ được tự do thăm viếng và sửa sang mộ theo cách riêng. Những tư nhân muốn đóng góp cho việc xây lại những ngôi mộ đã sụp lở có thể liên lạc với Ban Quản lý Nghĩa trang nhờ thực hiện dùm, nhưng riêng VAF thì không được phép tham gia. Biện pháp này phù hợp với ý đồ dân sự hóa NTBH để nghĩa trang này có thể được giải tỏa vào một thời điểm thuận tiện. Tôi không nghĩ rằng Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đồng tình với ý đồ này, nhưng ông đã thay đổi hẳn thái độ đối với ông Nguyễn Đạc Thành và VAF.
Ngày 27/4/2014, khi hướng dẫn một đoàn “Việt kiều” đi thăm khu trình diễn cho quan khách ở “Nghĩa trang Nhân dân Bình An,” ông Sơn đã lên tiếng chỉ trích đích danh ông Nguyễn Đạc Thành là “không đóng góp một xu nào” cho việc xây cất mộ tử sĩ VNCH. Lời chỉ trích này hoàn toàn sai lầm vì ông Thành chưa bao giờ được Bình Dương cho phép trùng tu NTBH theo dự án mà chính Thứ trưởng Sơn đã chấp thuận trong phiên họp với VAF ở Houston tháng 10, 2012. Ông Sơn cũng đã quên rằng chính quyền Bình Dương đã không chịu cấp giấy phép cho VAF theo lời ông yêu cầu sau “sự cố” 1 tháng Ba 2013 khi ông cùng với ông Thành đến thắp hương trước Đài Tưởng Niệm tử sĩ VNCH, một hành động hòa giải dũng cảm rất đáng ca ngợi.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn chắp tay khấn vái linh hồn tử sĩ trước lư hương Nghĩa Dũng Đài ở Nghĩa trang Quân đội VNCH Biên Hòa ngày 28/4/2014. Ảnh VH
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn:"Bây giờ đã đến lúc các anh về làm đi". Ảnh VH
Trở lại chuyện trùng tu mộ, tính đến tháng Sáu 2015, ngoài việc xây được 2,173 ngôi mộ, ông Ân và ông Thành tiếp tục gây quỹ để thực hiện những đợt xây kế tiếp. Hiện nay hai ông đang làm việc với một số “mạnh thường quân” và đã có người sẵn sàng ủng hộ VAF hoàn tất chương trình xây mộ nhưng không thể tiến hành vì chính quyền Bình Dương không cho phép quay video công tác xây mộ. Đại diện VAF ở trong nước đang thâu thập số mộ còn lại gồm những mộ bằng đất cần được xây bằng xi-măng và những mộ khác cần được chỉnh trang để VAF và những nhà bảo trợ có thể thiết lập ngân sách và thời biểu thực hiện. Cộng đồng người Việt ở Úc đã tự động gây quỹ cho VAF. Ở Hoa Kỳ, cho đến nay, VAF chưa hề tổ chức gây quỹ trong cộng đồng. Nguồn tài trợ duy nhất của VAF là Trung tâm Khuyến khích Tự lập của Ông Bà Phùng Liên Đoàn. Tiến sĩ Đoàn là nhà từ thiện quốc tế người Mỹ gốc Việt, đã được cơ quan Asia Pacific Philanthropy Consortium (APPC), trụ sở tại Phi-luật-tân , mời làm diễn giả tại Hội nghị toàn vùng lần thứ Tư, được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5, 2008.
Để gia tăng hậu thuẫn cho VAF, ngày 31.07.2014, Dân biểu Alan Lowenthal mời thêm 18 đồng viện lưỡng đảng ký tên chung trong văn thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel “yêu cầu quý Bộ đưa vấn đề Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa vào nghị trình của những cuộc đàm phán song phương giữa chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên hệ của quý Bộ để bảo đảm công cuộc trùng tu và bảo trì nghĩa trang, tôn trọng những người đã hi sinh mạng sống của họ.” Bộ Quốc phòng trả lời đồng ý. Bộ Ngoại giao cho hay Bộ vẫn theo dõi tình hình trùng tu NTBH kèm theo bản báo cáo của Tân Tổng Lãnh sự Rena Bitter về việc bà đi thăm NTBH (vẫn là khu trình diễn cho quan khách) ngày 31.07. Theo bản báo cáo này, TLS Bitter nhận thấy có “hàng trăm ngôi mộ được trùng tu bằng tiền đóng góp của tư nhân.” Thông tin này, do Ban Quản lý nghiã trang cung cấp, không đúng sự thật vì hầu hết 214 ngôi mộ do cựu TLS Lê Thành Ân đứng tên trùng tu là do tiền của VAF, như đã nói rõ ở trên. VAF đã phải đính chính sai lầm này với quý vị dân biểu, và ngày 16.10.2014, Chủ tịch VAF Nguyễn Đạc Thành đã gặp ông Charles Sellers, Trợ lý Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Mỹ ở Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề. Sau khi hiểu rõ chương trình trùng tu NTBH của VAF, ông Sellers hứa sẽ “tìm một cách mới” để giúp VAF có được giấy phép của chính quyền Bình Dương. Sau chuyến đi Việt Nam và đến thăm NTBH hồi tháng Năm vừa qua, Dân biểu Alan Lowenthal đã họp với các đại diện VAF để cập nhật tin tức và chuẩn bị những bước hỗ trợ kế tiếp
Cần giải quyết dứt điểm
Hai mươi năm sau chiến tranh, hội chứng Việt Nam hầu như đã tan biến giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam để trở thành quan hệ đối tác toàn diện và thực tế là đang tiến đến hợp tác chiến lược toàn diện. Nhưng hơn 40 năm đã trôi qua, giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn tồn tại một sự cách biệt với những yếu tố rất phức tạp vể mức độ giữa hận thù và hòa giải. Mâu thuẫn ý thức hệ không còn là vấn đề tranh cãi về triết lý hay xung đột về chính trị, vì chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại nhờ có tiến hóa còn chủ nghĩa cộng sản thì đã tự hủy thể và biến thành “tư bản đỏ”. Thực tế ngày nay trên thế giới các quốc gia đều hiện diện ở những mức độ khác nhau giữa hai chế độ chính trị: dân chủ và độc tài.
Ở Việt Nam, cuộc nội chiến vì ý thức hệ đã chia rẽ dân tộc thành hai phe dưới hai nhãn hiệu là “quốc gia” và “cộng sản”, gọi tắt là xung đột quốc-cộng. Sau khi “cộng” thắng “quốc” và thống nhất đất nước thì nhân dân trở nên khốn khổ, rồi khối cộng sản quốc tế tự tan rã, trước hết là mâu thuẫn vì “lợi ích quốc gia” giữa hai lãnh đạo chủ chốt là Liên Xô và Trung Quốc, tiếp theo là các nước Đông Âu theo nhau sụp đổ vì lãnh đạo cộng sản sai lầm dẫn đến cuộc tự sát của Liên Xô năm 1991 và 15 nước chư hầu tự giải phóng thành những “tân quốc gia độc lập” (new independent states – NIS). Quá hoảng hốt vì sợ bị lật đổ, lãnh đạo CSVN vội níu lấy CSTQ vốn là kẻ thù lộ diện từ cuộc chiến tranh biên giới 1979. Nắm được “thời cơ vàng”, Bắc Kinh ép được Hà Nội ký bản mật ước Thành Đô 1991 khiến cho Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải đau đớn thốt lên trước khi mất chức: ”Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu.”
Quả thật, từ năm 1991, Trung Quốc đã dùng quyền lực mềm để lấn chiếm đất và biển của Việt Nam, khai thác tài nguyên, lũng đoạn kinh tế và tiến hành kế hoạch Hán hóa dân tộc Việt. Cho đến gần đây, nhờ phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, kể cả Nhật, Úc và Ấn độ trước tham vọng làm bá chủ và hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam có thêm động lực làm sống dậy tinh thần yêu nước và khát vọng tự do, dân chủ trong các tầng lớp nhân dân. Rốt cuộc là ngay cả các lãnh đạo thân Trung Quốc cũng phải tìm cách “thoát Trung” để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ.
Nhu cầu đoàn kết trong và ngoài nước để xây dựng sức mạnh dân tộc và thế lực quốc tế càng khẩn cấp hơn bao giờ hết. Chính quyền đã làm được bước đột phá cần thiết về đối ngoại, còn bước đột phá về đối nội đã trì hoãn trên 40 năm nay cũng cần phải được thực hiện tức thời. Đó là hành động hòa giải đối với hàng chục triệu nạn nhân của những chính sách tàn ác sai lầm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từ 1945 đến nay. Chỉ riêng con số đồng bào miền Nam bị tước đoạt tài sản và đối xử kỳ thị, những người bị bắt làm tù cải tạo, những gia đình bị đầy đi “kinh tế mới”, những người phải bỏ nước ra đi và những nạn nhân mất tích trong những chuyến vượt biên vượt biển nhiều năm sau 1975, cộng lại cũng phải lên đến chục triệu người.
Đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, vấn đề hoà giải vẫn phải là vấn đề của chính quyền trong nước, nhất là khi các lãnh đạo đã nhận ra nguồn lợi quan trọng về tiền bạc và trí tuệ của ba bốn triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó một nửa là người Mỹ gốc Việt. Ngoài ra phải kể đến khả năng vận động mạnh mẽ của công dân ngoại quốc gốc Việt với chính phủ và quốc hội ở các nước sở tại sẽ đem lại kết quả thuận lợi hay bất lợi cho chính quyền trong nước. Tóm lại, nếu lãnh đạo Việt Nam muốn người Việt ở nước ngoài xóa bỏ hận thù và đóng góp vào các công trình phát triển đất nước thì phải chứng tỏ thiện chí hòa giải trước, thể hiện bằng chính sách đối xử thật sự bình đẳng và vì công lý. Bước khởi đầu dễ nhất và có ý nghĩa nhất là “hòa giải với người chết” tức là chấp thuận toàn bộ hai chương trinh đầy tình người của VAF mà ba năm trước đã được Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chấp thuận nhưng lại bị chính quyền tỉnh Bình Dương bác bỏ (như đã nói ở trên).
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa thực hiện một chuyến đi lịch sử sang Hoa Kỳ, và đây là lần đầu tiên người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam được Tổng thống Mỹ chính thức tiếp kiến tại Bạch Cung, xác nhận tầm nhìn chung và quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Đây là mối quan hệ mà đúng 70 năm trước, đại tiền bối của ông Nguyễn Phú Trọng là Hồ Chí Minh, Chủ tịch cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đã mong muốn mà không đạt được, dù chỉ một phần nhỏ, sau nhiều lần viết thư cho Tổng thống Harry Truman và các giới lãnh đạo Hoa Kỳ.
Một sự kiện có liên quan đến bài viết này là trong cuộc họp báo với TBT Trọng, TT Obama đã ca ngợi sự thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tiếp theo là PTT Joe Biden trong bữa tiệc trưa ở Bộ Ngoại giao cũng nhắc đến tiếng nói có trọng lượng của người Mỹ gốc Việt. Đó là những thông điệp rất rõ ràng cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về nhu cầu hòa giải với hai triệu người Việt đã trở thành công dân Mỹ, càng ngày càng có vị thế vững mạnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học. Khối công dân gốc Việt này chắc chắn có thể đóng góp quan trọng vào công trình phát triển Việt Nam thành một quốc gia giàu, mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á, đúng như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhiều lần ca ngợi khả năng và triển vọng trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.
(Tôi phải cám ơn Tổng Thống Obama đã lưu ý đến kiến nghị của tôi trong email tôi gửi vào Bạch Cung ngày 21 tháng 7, 2013, nhắc đến sự kiện Tổng Thống Bill Clinton đã công khai phát biểu về vai trò của người Mỹ gốc Việt, do thỉnh cầu của tôi, trong chuyến đi Việt Nam của ông tháng 11 năm 2000. TT Obama đã nói đến những đóng góp của người Mỹ gốc Việt trong cuộc họp báo với CT Trương Tấn Sang ngày 25.7, và CT Sang cũng nhìn nhận như vậy.)
Bản Tuyên bố chung ngày 7/7/2015 nói rõ “hai nước ghi nhận thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.” Trong bài diễn văn đọc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày hôm sau, TBT Nguyễn Phú Trọng lại xác nhận: “Đặc biệt còn có một yếu tố hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước là cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ là công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi. Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm (. . .) tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”
Những điểm ghi nhận và phát biểu tích cực trên đây về vai trò của người Mỹ gốc Việt trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước cần được chính phủ Việt Nam chuyển thành hành động trong những ngày sắp tới. Hãy bắt đầu ngay bằng hành động hòa giải với những người lính miền Nam đã nằm xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn và những tù nhân đã bỏ mình trong các trại cải tạo sau khi đất nước thống nhất.
Sau hơn 40 năm bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhất là chỉ nói mà không làm, nay là thời điểm thích hợp nhất để chính quyền trong nước thực hiện một hành động dễ nhất, nhiều ý nghĩa nhất và có lợi ích lâu dài cho dân tộc. Tất nhiên, hành động ấy đòi hỏi những nỗ lực tự vượt của nhiều người ở “bên thắng cuộc”, nhất là không ít quan chức địa phương còn quyến luyến với những lợi lộc cá nhân trước mắt. Lãnh đạo trung ương và nhân dân địa phương cần tạo áp lực thay đổi thái độ của các quan chức ấy.
Cũng trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã sáng tạo 16 chữ vàng mới làm phương châm cho quan hệ Việt-Mỹ: "Gác lại quá khứ, Vượt qua khác biệt, Phát huy tương đồng, Hướng tới tương lai." (Tôi nghĩ nên đổi hai chữ “Gác lại” có hàm ý tạm thời thành “Bỏ lại” để xác nhận thái độ dứt khoát với những sai lầm và đau buồn trong quá khứ của cả hai bên.) Mong rằng phương châm này sẽ được áp dụng thật tình, nhất là từ phía Việt Nam, khác với 16 chữ vàng (dỏm) do Trung Quốc bày ra mà chỉ có Việt Nam phải đơn phương thi hành. Phương châm này cũng áp dụng đúng cho quan hệ bình thường giữa chính quyền trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là khi phe thắng đã gây nên nhiều bất mãn và hận thù của phe thua. Riêng phương châm “Phát huy tương đồng” thì cần phải đạt được đồng thuận là xây dựng một thể chế thật sự “của dân, do dân và vì dân.”
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam nói lên những lời chính đáng trước chính phủ và nhân dân hai nước. Chính phủ Hoa Kỳ và mọi người Việt Nam, trong và ngoài nước, đều trông đợi những hành động cụ thể của chính phủ Việt Nam, tốt nhất là bắt đầu bằng sự chấp thuận dứt khoát và toàn bộ chương trình “hòa giải với người chết” như đề nghị của VAF. Tôi tin rằng lần này các chính quyền địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, sẽ tuân theo chỉ thị của trung ương để hợp tác và giúp đỡ VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Những trở ngại tâm lý và chính trị, nếu còn sót lại, sẽ được giải quyết dễ dàng bằng thiện chí và thông cảm giữa hai bên. Bước đầu quan trọng này sẽ mở đường cho những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới cho quan hệ lâu dài giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và quốc tế.
Ngày 12 tháng 7 vừa qua, Đại sứ Ted Osius và Dân biểu Lowenthal đã có một buổi họp riêng với một nhóm đại diện của VAF, kết quả là Đại sứ Osius đồng ý chỉ định một viên chức trong sứ quán ở Hà Nội làm việc với Liên hội NGO Mỹ gốc Việt, và một đại diện Tổng Lãnh sự quán ở Saigon sẽ vận động chính phủ Việt Nam cấp giấy phép cho VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Trong buổi tiếp xúc với cộng đồng vào buổi chiều cùng ngày, có sự hiện diện của 4 Dân biểu lưỡng đảng là Ed Royce, Rohrabacher (CH), Loretta Sanchez và Alan Lowenthal (DC), ngoài những câu hỏi chú trọng vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, cử tọa cũng đặt câu hỏi về vấn đề NTBH. Đại sứ Osius nhấn mạnh nhiệm vụ của ông là cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và nhận xét là đang có sự cải thiện. Ông nhắc đến chuyện Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ một số nhà tranh đấu cho nhân quyền và đến thăm NTBH trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng Năm vừa qua. Cuộc tiếp xúc của Đại sứ Osius với cộng đồng Mỹ gốc Việt chỉ mấy ngày sau chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng cho thấy Hoa Kỳ đã khởi động phương châm 16 chữ của TBT Trọng, nay mọi người đang chờ đợi những đáp ứng tích cực từ phía Việt Nam.
Hoa Kỳ cần Việt Nam đề đảm bảo quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ tại Biển Đông gồm tự do lưu thông, an ninh của các nước trong khu vực và hòa bình quốc tế.
Việt Nam còn cần Hoa Kỳ hơn để có khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền trong lâu dài và trở thành một quốc gia dân chủ và giàu, mạnh hàng đầu trong khu vực.
Đó chính là tầm nhìn chiến lược sáng suốt không thể thiếu của mỗi bên.
Lãnh đạo CHXHCNVN đang đứng trước một cơ hội cuối cùng để cứu nước thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc, với sức mạnh của toàn dân và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và quốc tế. Cơ hội lịch sứ duy nhất này chỉ đòi hỏi một điều kiện tinh thần: lòng dũng cảm tự vượt lên trên những toan tính vị kỷ để phục vụ lợi ích của quốc gia. Đó cũng là quyết định khôn ngoan nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của những người đang nắm giữ vận mệnh của đất nước.
California, 14 tháng Bảy 2015
(Tác giả Lê Xuân Khoa là nguyên Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center, SEARAC), nguyên Giáo sư Thỉnh giảng trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, Washington, D.C., hiện cư ngụ tại Irvine, Nam California.)
PHỤ LỤC TIN ẢNH CỦA VĂN HÓA:
Sau khi ông Nguyễn Đình Bin đến thăm tướng Kỳ ở tư gia của ông trên Los, tướng Kỳ đến thăm tòa soạn báo
Văn Hóa; nhân dịp này, bổn báo Lý Kiến Trúc thực hiện cuộc phỏng vấn tướng Kỳ về tình hình Việt Nam và
vấn đề "Hòa giải Hòa hợp Dân tộc". Tướng Kỳ đề nghị: "Tôi kỵ mấy chữ "Hòa giải - Hòa hợp" lắm, nó dị
ứng lắm, tôi đề nghị nên dùng chữ "Đoàn kết Dân tộc" là hay hơn, bởi vì không có chế độ nào, chính phủ nào
tại mãi mãi mà chỉ có Dân tộc là trường tồn vĩnh viễn", anh nên nhớ tôi đã từng làm Thủ Tướng, từng đích
thân lái khu trục Skyraider ra oanh tạc ngoài Bắc nhé! May mà hỏa tiễn Nga nó không bắn trúng tôi đấy!
Ảnh VH chụp năm 2004 tại tòa soạn.
Lần thứ hai trước khi tướng Nguyễn Cao Kỳ quyết định về Việt Nam lần đầu tiên (trước Tết ta), ông và các
thân hữu lại đến thăm tòa soạn báo Văn Hóa. Nhân dịp này bổn báo Lý Kiến Trúc thực hiện cuộc phỏng vấn
không phải ở tòa soạn mà đề nghị với ông Phan Ngọc Tiếu khi ấy là giám đốc đài Saigon TV, cuộc phỏng vấn
sẽ trực tiếp trên đài SG TV. Tướng Kỳ đồng ý.
Ông Phan Ngọc Tiếu giới thiệu cuộc phỏng vấn. Có hai nhà báo Hà Tường Cát báo Người Việt, Phan Tấn Hải
báo Việt Báo theo dõi. Nội dung phỏng vấn kéo dài 2 tiếng, đó có một câu hỏi của bổn báo: "Nếu Thiếu tướng
có dịp, có điều kiện về VN (lần đầu tiên), Thiếu tướng cóđến Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa thắp nén nhang
tưởng niệm những người lính đã năm xuống vì lý tưởngTự Do hay không? Tướng Kỳ suy nghĩ khoảng 2
phút, ông nói: "Tôi sẽ đưa vấn đề này với các ông lãnh đạoHà Nội". Sau khi tướng Kỳ trở lại Mỹ, ông có mời
tôi đến tư gia cho xem cuộn phim ông họp với ông PhạmThế Duyệt khi ấy là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam ở Sàigon và các giới chức tỉnh Bình Dương, và hìnhảnh hai ông bà Tướng Kỳ (bà Nicole Kim) đi thắp
từng nén nhang trên từng ngôi mộ trong NTBH. Tướng Kỳnói: "Khi tôi đề cập đến vấn đề NTBH với ông
Duyệt, ông ấy trả lời vấn đề này lớn lắm, ngoài thẩm quyền của tôi, tôi phải trình lên Bộ chính trị". Ảnh
VH chụp năm 2004 tại văn phòng đài Saigon TV.
Sau khi đi Việt Nam về, Tướng Kỳ mời bổn báo Văn Hóa đến nhà riêng cho xem video cuộc gặp gỡ với ông
Phạm Thế Duyệt và các viên chức bộ ngoại giao VN. ẢnhVH chụp đầu năm 2004.
Sau khi đi Việt Nam về, Tướng Kỳ mời bổn báo Văn Hóa đến nhà riêng cho xem video cuộc gặp gỡ với ông
Phạm Thế Duyệt và các viên chức bộ ngoại giao VN. Người dứng góc phải là bà Nicole Kim. ẢnhVH
Phó Tổng thống VNCH Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Tổng thống VNCH Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu
trong một cuộc duyệt binh tại Sàigon. Ảnh Google.
XEM THÊM:
Đại Sứ Mỹ Sẽ Cử 2 Viên Chức Giúp VAF Tìm Mộ Tù, Trùng Tu Nghĩa Trang Biên Hòa
17/07/2015
WESTMINSTER/HANOI (VB) -- Chính phủ Mỹ, qua các viên chức ngoại giao tại VN, sẽ chính thức hỗ trợ cho chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa Trang Biên Hòa hiện do tổ chức VAF của ông Nguyễn Đạc Thành vận động và tiến hành.
Chương trình do VAF xúc tiến từ nhiều năm nay, ngay cả khi được chính phủ trung ương ở Hà Nội chấp thuận vẫn bị chính quyền tỉnh Bình Dương ngăn cản, phá hoại.
Người đích thân quan sát và hỗ trợ chương trình sẽ là Đaị sứ Mỹ tại VN Ted Osius, theo lời cam kết của ông.
Giáo sư Lê Xuân Khoa qua bài viết tựa đề “Đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm: “Hòa giải với người chết” hay Chương trình tìm mộ Tù cải tạo và Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa...” đã kể chi tiết về cuộc vận động VAF qua nhiều năm, kể về những gian nan và ngay cả khi trung ương Hà Nội chấp thuận, VAF vẫn bị cán bộ tỉnh Bình Dương quậy phá.
Bài viết của GS Lê Xuân Khoa đăng ở BBC và Bauxite VN, tuy nhiên bài trên BBC đã bị chia làm 2 kỳ và cắt một số câu chữ nhạy cảm.
Trong bài từ Bauxite VN, giáo sư viết vê lời hứa của Đại sứ Ted Osius như sau, trích:
“Ngày 12 tháng 7 vừa qua, Đại sứ Ted Osius và Dân biểu Lowenthal đã có một buổi họp riêng với một nhóm đại diện của VAF, kết quả là Đại sứ Osius đồng ý chỉ định một viên chức trong sứ quán ở Hà Nội làm việc với Liên hội NGO Mỹ gốc Việt, và một đại diện Tổng Lãnh sự quán ở Saigon sẽ vận động chính phủ Việt Nam cấp giấy phép cho VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu NTBH. Trong buổi tiếp xúc với cộng đồng vào buổi chiều cùng ngày, có sự hiện diện của 4 Dân biểu lưỡng đảng là Ed Royce, Rohrabacher (CH), Loretta Sanchez và Alan Lowenthal (DC), ngoài những câu hỏi chú trọng vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, cử tọa cũng đặt câu hỏi về vấn đề NTBH. Đại sứ Osius nhấn mạnh nhiệm vụ của ông là cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và nhận xét là đang có sự cải thiện. Ông nhắc đến chuyện Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ một số nhà tranh đấu cho nhân quyền và đến thăm NTBH trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng Năm vừa qua. Cuộc tiếp xúc của Đại sứ Osius với cộng đồng Mỹ gốc Việt chỉ mấy ngày sau chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng cho thấy Hoa Kỳ đã khởi động phương châm 16 chữ của TBT Trọng, nay mọi người đang chờ đợi những đáp ứng tích cực từ phía Việt Nam.
Hoa Kỳ cần Việt Nam đề đảm bảo quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ tại Biển Đông gồm tự do lưu thông, an ninh của các nước trong khu vực và hòa bình quốc tế.
Việt Nam còn cần Hoa Kỳ hơn để có khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền trong lâu dài và trở thành một quốc gia dân chủ và giàu, mạnh hàng đầu trong khu vực.
Đó chính là tầm nhìn chiến lược sáng suốt không thể thiếu của mỗi bên.
Lãnh đạo CHXHCNVN đang đứng trước một cơ hội cuối cùng để cứu nước thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc, với sức mạnh của toàn dân và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và quốc tế. Cơ hội lịch sứ duy nhất này chỉ đòi hỏi một điều kiện tinh thần: lòng dũng cảm tự vượt lên trên những toan tính vị kỷ để phục vụ lợi ích của quốc gia. Đó cũng là quyết định khôn ngoan nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của những người đang nắm giữ vận mệnh của đất nước...”(ngưng trích)
Lần này, CSVN có thực tâm hòa giải với tử sĩ VNCH hay không? Hay có phải, mảnh đất Nghĩa Trang Biên Hòa đã hứa bán cho tư bản đỏ Trung Quốc kiểu như Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương?
Đại sứ Ted Osius sẽ bổ nhiệm 2 nhân viên ngoại giao trực tiếp hỗ trợ VAF, nhưng sẽ có hiệu quả tới đâu?
XEM THÊM:
DB Lowenthal kêu gọi trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Tuesday, August 05, 2014
WASHINGTON (NV) - Dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ, Alan Lowenthal, gửi thư kêu gọi Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nêu vấn đề với chính quyền Việt Nam về việc Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi yên nghỉ của hơn 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đang còn bị bỏ hoang. Theo thông cáo báo chí gởi ra ngày 5 Tháng Tám.
Hình ảnh một phần Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, do một blogger chụp năm 2013. (Hình: Nguyễn Lân Thắng)
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khởi công xây dựng Tháng Mười Một, 1967, nhưng sau nhiều năm không được bảo trì từ sau 1975, nghĩa trang nay đang trong tình trạng đổ nát.
Thông cáo báo chí trích lời Dân Biểu Lowenthal: “Tình trạng hiện nay của Nghĩa Trang Biên Hòa là một sự đáng hổ thẹn và trách nhiệm của chính quyền Việt Nam hiện tại là phải đối xử với nơi yên nghỉ cuối cùng của hàng chục ngàn người Việt một cách tôn trọng và đầy đủ nhân phẩm, xứng đáng với sự hy sinh của họ trong chiến trận.”
Vẫn theo thông cáo báo chí, trong một lá thư do Dân Biểu Lowenthal cùng 18 dân biểu Quốc Hội Liên Bang thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng ký tên và gửi đi tuần rồi, Dân Biểu Lowenthal kêu gọi Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry và Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel đặt vấn đề trùng tu và bảo trì Nghĩa Trang Biên Hòa vào nghị trình đàm phán song phương với Hà Nội.
Các dân biểu đồng ký tên vào lá thư của Dân Biểu Alan Lowenthal gồm có dân biểu Xavier Becerra, Julia Brownley, Judy Chu, Gerald Connolly, Jim Costa, Sam Farr, Janice Hahn, Mike Honda, Barbara Lee, Zoe Lofgren, James McGovern, George Miller, Brad Sherman, Dana Rohrabacher, Christopher Smith, Mike Thompson, Henry Waxman, và Frank Wolf.
Dân Biểu Alan Lowenthal đại diện cho các thành phố và khu vực gồm Long Beach, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, Rossmoor, Cypress, Westminster, Garden Grove, Buena Park, Anaheim, Midway City và Stanton trong Địa Hạt 47 của California. (Đ.B.)
Gửi ý kiến của bạn